Kể lời trúc chỉ trong dòng chảy đương đại
Văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 04/07/2016
Năm 2000, nghệ sĩ, giảng viên Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế Phan Hải Bằng bắt tay vào dự án nghiên cứu về giấy thủ công với tham vọng muốn giấy thoát khỏi thân phận làm nền cho các sáng tạo khác, trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân. Hàng chục năm lăn lộn, từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam sang Lào, sang Thái Lan trở về, rồi miệt mài thực nghiệm, pha chế, sáng tạo, Phan Hải Bằng đã thay đổi được quan niệm ấy, làm thành giấy nghệ thuật. Cây tre, biểu tượng văn hóa và đời sống Việt với đặc tính xơ sợi và khả năng thích ứng tốt đã vượt qua rơm, mía, chuối, bèo hay lá để thành nguyên liệu chính của nghệ thuật này. Quy trình xử lý từ tre thành bột giấy, Phan Hải Bằng học từ các làng nghề truyền thống, giữ nguyên các thao tác. Tới quy trình seo giấy, anh cập nhật và biến đổi, thể hiện thành nghệ thuật. Khi bề mặt tấm giấy còn đang ướt, bằng các phương thức khác nhau, đặc biệt là nguyên lý của nghệ thuật đồ họa, anh tác động lên bề mặt của giấy (chủ yếu là kỹ thuật water spray - dùng vòi phun nước có thể điều chỉnh áp lực, kích cỡ hạt nước), làm hiện lên những hình ảnh, cấu trúc bố cục, sắc độ… giống như một bức tranh vậy.
Cái tên trúc chỉ là mãi đến năm 2012 được nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Bửu Ý của Huế định danh. Trúc là tre, chỉ là giấy. Từ đó, Phan Hải Bằng và các cộng sự chính thức lấy tên dự án này là Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam. Nghệ sĩ gia nhập dự án này luôn luôn tiếp biến, không dừng lại ở những kỹ thuật ban đầu, mà cập nhật những phương thức thao tác mới của nghệ thuật đồ họa vào trúc chỉ. Họ thậm chí còn đối thoại với những thao tác ấy, đặt những thông điệp thẩm mỹ trên trúc chỉ để làm nên một ngành nghệ thuật mới của Việt Nam - đồ họa trúc chỉ/trucchigraphy, sẵn sàng bước vào cuộc chơi nghệ thuật thế giới một cách tự nhiên, sòng phẳng.
Công chúng Thủ đô mới chỉ biết một vài tác phẩm của nghệ thuật trúc chỉ trong những triển lãm nhóm hoặc triển lãm tranh in - đồ họa. Đây là lần đầu tiên, một triển lãm chuyên biệt về nghệ thuật này do người sáng tạo ra nó thực hiện, quả là đáng cất công thưởng lãm. Nghệ sĩ Phan Hải Bằng cho biết, anh dày công cho triển lãm này với ý tưởng mượn hình tượng dòng sông mang sự bao bọc, chuyên chở, chuyển động, đi từ quá khứ đến tương lai… để kể về nghệ thuật trúc chỉ - một giá trị văn hóa mới được hình thành bằng đam mê, tình yêu, óc sáng tạo kết hợp với năng lượng của tiền nhân. 12 mô hình áo tơi, mỗi mô hình là một tác phẩm đồ họa trúc chỉ được sắp đặt, treo móc thành hai hàng dọc theo chiều dài của không gian phòng triển lãm. Một dòng sông trúc chỉ dài hơn 100m uốn lượn trên dưới, chuyển hướng, chồng lớp… xung quanh mô hình áo tơi. Và khi hệ thống đèn bật lên, ánh sáng led bên trong mỗi mô hình áo tơi càng làm nổi những hình họa trên bề mặt tác phẩm, chúng cũng tạo ra hiệu ứng xuyên sáng đặc sắc trên dòng sông trúc chỉ. Những hình tượng như đám mây, hoa lá, cánh diều, con cá, cây cối… hiện lên rõ ràng hơn. Cùng đó, âm nhạc dìu dặt được nghệ sĩ Đào Sỹ Tùng soạn riêng cho triển lãm càng làm tăng sự mê hoặc. “Tuyệt vời” là lời thốt ra của bất cứ ai đứng trong không gian này: Giản dị trong màu sắc, độc đáo trong cách thức sáng tạo, tinh tế trong từng đường nét tạo hình, sắp đặt. Lời kể về trúc chỉ ấy phảng phất nét truyền thống nhưng là sáng tạo của đời sống đương đại.
Ngày 2-7, nghệ sĩ Phan Hải Bằng cùng các nghệ sĩ của dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam có hai buổi thuyết trình với người yêu nghệ thuật muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này, đồng thời hướng dẫn họ tham gia thiết kế các tác phẩm trúc chỉ. Những tác phẩm tốt sẽ được trưng bày ngay trong triển lãm “Trúc chỉ - Lời của sông” tạo nên một sự tương tác nhất định. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 15-7.