Bài đầu: Ba năm chưa qua... “thời kỳ quá độ”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 04/07/2016

LTS: Mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa mặn mà với mô hình này nên hầu hết HTX hoạt động kém hiệu quả...

Bài đầu: Ba năm chưa qua... “thời kỳ quá độ”

Luật HTX năm 2012 ra đời với kỳ vọng HTX thật sự trở thành “ngôi nhà ấm” của hàng triệu nông dân, đem đến cơ hội sản xuất, tiêu thụ nông sản, cung cấp các dịch vụ công ích ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, sau 3 năm có hiệu lực thi hành, đến nay hoạt động của HTX vẫn đang vấp phải hàng loạt khó khăn, bất cập; cái "cũ" chưa qua, cái mới "chưa" tới.

Chăm sóc hoa tại HTX Hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Trần Hải


Chuyển đổi ì ạch

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam trăn trở: Một thời gian dài khu vực HTX "ngủ yên", hoạt động èo uột gây thiệt thòi cho nông dân vì mất đi "bệ đỡ" quan trọng. Cũng vì thế mà nhiều lỗ hổng trong quản lý sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát như: Vật tư nông nghiệp giả tràn lan, sản xuất manh mún, nông dân tự lo đầu ra cho sản phẩm dẫn tới "được mùa - rớt giá"… "Nếu như chúng ta làm tốt việc tổ chức lại HTX thì nhiều bài toán khó ở nông thôn được giải quyết bởi HTX là cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với bà con nông dân. Đây có thể là nơi cung ứng giống, vật tư nông nghiệp chất lượng tốt; đảm nhiệm nhiều khâu dịch vụ công ích trong nông nghiệp mà không một bộ phận hoặc thành phần kinh tế nào đảm nhiệm, thay thế được" - ông Cự nhận định. Tuy nhiên, do một thời gian dài, cung cách vận hành của HTX còn lạc hậu với cơ chế thị trường, nhiều nơi coi HTX như một bộ phận của chính quyền địa phương để phục vụ phát triển nông nghiệp; hoặc HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không có trụ sở, không có vốn. Chính quyền và nhân dân ở một số nơi còn hoài nghi vai trò của HTX.

Trong đợt khảo sát hoạt động của các HTX hồi tháng 6 vừa qua của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Hà Nội cho thấy: Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có tới gần 2.000 HTX, trong đó có gần 1.000 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên mới chỉ có hơn 30% số HTX đã thực hiện chuyển đổi theo luật; số HTX hoạt động khá giỏi và đứng vững trên thị trường rất ít. Số HTX còn lại chỉ hoạt động ở mức độ vừa phải, đáp ứng những dịch vụ sản xuất nông nghiệp cơ bản tại địa phương mà chưa có sự đột phá, trở thành mũi nhọn kinh tế để dẫn dắt, định hướng các loại hình kinh tế khác. Điều đáng nói, trong tổng số trên 30% HTX thực hiện chuyển đổi nói trên, chỉ có khoảng 10% HTX hoạt động hiệu quả.

Ông Lê Văn Chính, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX NN Đồng Tháp, huyện Đan Phượng cho biết, dù HTX đã chuyển đổi theo luật từ cả năm nay, nhưng chủ yếu mới chỉ là sắp xếp lại bộ máy, tổ chức lại thành viên, còn thực chất hoạt động của HTX chưa có nhiều thay đổi. "Để bắt đầu một loại hình dịch vụ mới, triển khai thế nào để vừa bảo tồn vốn cho HTX vừa kinh doanh có lãi vẫn là bài toán nan giải đối với HTX", ông Chính cho biết. Đây không chỉ là khó khăn riêng của HTX NN Đồng Tháp mà còn là khó khăn chung của hàng trăm HTX đã chuyển đổi thành công theo luật mới 2012 trên địa bàn thành phố.

Chính sách thiếu đồng bộ

Lý giải vấn đề này, ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho rằng: Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là đầu ra nông sản ở các HTX chưa ổn định, khâu liên kết còn gặp khó khăn. Các HTX vẫn chỉ tham gia vào các dịch vụ truyền thống có thế mạnh còn dịch vụ mới bao tiêu sản phẩm thì khó thực hiện. Đánh giá về tình hình thực hiện, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên minh HTX Hà Nội cho rằng, dù Ban chỉ đạo kinh tế tập thể thành phố và Liên minh HTX Hà Nội đã tích cực chỉ đạo các HTX thực hiện chuyển đổi nhưng đến nay kết quả đạt được khá thấp bởi trong một thời gian dài, bản thân HTX hoạt động yếu kém, khâu tổ chức cán bộ và phương án sản xuất chưa rõ ràng. Trong khi đó, sự quan tâm, tiếp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chưa tích cực nên công tác chuyển đổi HTX gặp nhiều khó khăn. Trong lúc các HTX lúng túng trong hoạt động, thì các văn bản hướng dẫn của các ngành chức năng về đánh giá tài sản, xử lý nợ hoặc giải thể khi HTX hoạt động không đạt yêu cầu... chưa kịp thời khiến các HTX lúng túng.

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng cho rằng: Hệ thống cơ chế chính sách cho khu vực kinh tế tập thể còn thiếu đồng bộ, chưa hấp dẫn, chưa đi vào cuộc sống dẫn đến những bất cập trong việc chuyển đổi theo Luật HTX. Hiện mới chỉ có 1,7% tổng số HTX được vay vốn, 2% số HTX được giải quyết về đất đai. Thực tế, để HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, sản xuất phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa với quy mô lớn thì chính sách phải thông thoáng, đồng bộ... Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách của Nhà nước đối với HTX còn chưa hấp dẫn khiến nông dân không mặn mà. "Tham gia HTX là những người nông dân yếu thế, yếu cả kiến thức sản xuất kinh doanh, vốn, công nghệ và thị trường nên Nhà nước phải là “bà đỡ” mới tạo động lực cho HTX phát triển ổn định", ông Võ Kim Cự nói.

Bạch Thanh