Căn chỉnh hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 04/07/2016
Chính phủ đã giữ đúng lời hứa, thông tin về nguyên nhân và thủ phạm gây sự cố đã được công bố minh bạch, rõ ràng. Chủ thể gây ra sự cố - Lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh đã chính thức xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả... Vấn đề quan trọng nhất lúc này là cùng với tìm cách khôi phục lại môi trường biển, thì cần khẩn trương hỗ trợ người dân ổn định đời sống, vươn khơi bám biển. Mặt khác, cần nhìn nhận sự cố một cách bình tĩnh, thấu đáo để từ đó đúc rút những bài học cho tiến trình phát triển.
1. Trước hết, phải khẳng định rằng những sự cố môi trường tương tự cũng đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và luôn tồn tại trong thực tế một "cuộc chiến" giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. Vấn đề là xử lý thế nào với những sự cố như vậy.
Về nguyên nhân của sự cố, cũng cần nhắc lại rằng: Với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của hơn 30 cơ quan trong nước và quốc tế, các kết quả nghiên cứu đã khẳng định: Có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Xyanua... kết hợp với Hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) có tỷ trọng lớn hơn nước biển, di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam, làm hải sản chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy... Các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong thời gian vừa qua... Nói lại như vậy để thấy, việc nghiên cứu, điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra sự cố đã được tiến hành một cách bài bản, khách quan, khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật.
Để đi đến những kết quả cuối cùng về việc công bố kết luận nguyên nhân gây ra sự cố là một quá trình vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Điều đó lý giải vì sao rất nhiều người thấy nhẹ lòng khi đã tìm ra nguyên nhân và đưa “thủ phạm” gây sự cố ô nhiễm môi trường biển ra ánh sáng. Mặt khác, có thể thấy rõ qua vụ việc này Chính phủ đã lắng nghe nhân dân, nghiêm túc thực hiện lời hứa, làm rõ nguyên nhân, thông tin đầy đủ và minh bạch trước nhân dân, qua đó đem lại lẽ phải, công bằng.
Công ty Formosa Hà Tĩnh đã cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung với số tiền 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng Việt Nam), đồng thời hứa không tái phạm... Để thực hiện đúng và đầy đủ cam kết nói trên đòi hỏi một quá trình và cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan hữu trách. Thái độ của Chính phủ trong vấn đề này là hết sức kiên quyết. Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa.
2. Nhiều người dân cho rằng ở mức độ nào đó, cách ứng xử của Công ty Formosa Hà Tĩnh với sự cố môi trường gây hiện tượng hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung "là có thể chấp nhận được". Tuy nhiên sự cố mang tên Formosa đã để lại không ít bài học đắt giá. Trong đó có những vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, đó là sự hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường, là điều không chỉ Việt Nam phải đối mặt.
Vấn đề không chỉ là phải làm thật tốt quy trình đánh giá tác động môi trường của mỗi dự án trước khi phê duyệt, cấp phép triển khai. Càng không chỉ dừng lại ở việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát sau cấp phép. Sâu xa hơn cả là phải luôn duy trì cho được nguyên tắc - không thể thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không thể phát triển bằng mọi giá. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, mang lại việc làm cho hàng triệu lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước cũng như địa phương... là một tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, chính “cuộc đua trải thảm đỏ” thu hút đầu tư nước ngoài nếu buông lỏng các vấn đề mang tính nguyên tắc - tất sẽ đem đến những hậu quả khôn lường. Bài học Formosa cho thấy một thực tế rằng “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế thuần túy”.
Bởi vậy, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm một lần nhấn mạnh: "Các địa phương khi phát triển kinh tế phải chú ý đến môi trường, không vì kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua vấn đề môi trường, nhất là môi trường sống của người dân". Đây cũng chính là nguyện vọng của nhân dân về mục tiêu phát triển đất nước bền vững. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu là các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường ở các doanh nghiệp, dự án phát triển kinh tế, đồng thời kiên quyết “nói không” với những dự án đầu tư có nguy cơ gây hệ lụy, tổn hại cho đất nước, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực thu hút đầu tư.
Và tinh thần ấy tiếp tục được Chính phủ lưu ý ở những công việc cụ thể. Ngày 2-7 khi thăm và kiểm tra tiến độ xây dựng, vận hành của tổ hợp cũng như một số nhà máy lớn tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải đặc biệt lưu ý đến việc xử lý và xả thải của hệ thống tổ hợp các nhà máy tại Khu kinh tế Nghi Sơn: "Cần lấy bài học về sự cố xả thải Formosa Hà Tĩnh để cảnh giác, luôn có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường…".
Không phát triển bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường sống của người dân chính là ý nghĩa của phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Đây cũng chính là sự đòi hỏi chuyển hướng của các cơ quan quản lý nhà nước. Và nhiệm vụ trước mắt là căn chỉnh, siết chặt hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.