EU gia hạn trừng phạt Nga: Cả hai bên cùng chịu tổn thất

Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 03/07/2016

(HNM) - Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục giữ thái độ cứng rắn với Nga bằng việc quyết định kéo dài áp dụng các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng.



Như vậy, lệnh trừng phạt mới của Liên minh nhằm vào Nga sẽ kéo dài tới ngày 31-1-2017, bao gồm các biện pháp nhằm vào ngành tài chính, năng lượng và một số lĩnh vực thuộc quốc phòng. Quyết định này không nằm ngoài dự đoán bởi trước đó các nhà lãnh đạo của EU đã nêu quan điểm muốn tiếp tục trừng phạt Nga do những điều khoản trong thỏa thuận hòa bình Minsk ký hồi tháng 2-2015 nhằm kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine “vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc”.

EU tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga khiến người tiêu dùng cả hai bên bị ảnh hưởng.


Tuy nhiên, Mátxcơva khẳng định gắn các biện pháp trừng phạt với việc không đạt được tiến triển trong thực hiện thỏa thuận hòa bình cho miền Đông Ukraine là vô lý. Nga tuyên bố, các biện pháp trừng phạt sẽ không làm nước này thay đổi đường lối. Trước khi EU công bố quyết định gia hạn trừng phạt, cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh gia hạn cấm nhập khẩu các loại lương thực - thực phẩm từ một số nước Châu Âu tới cuối năm 2017.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xấu đi nghiêm trọng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine hồi tháng 3-2014. Mỹ, EU cùng các đồng minh cáo buộc Mátxcơva đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở Đông Nam nước này. Bất chấp việc Nga bác bỏ những cáo buộc nêu trên, nhiều quốc gia trong EU đã thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào Mátxcơva, làm tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi đánh thẳng vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Mátxcơva cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp cấm vận nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch cô lập xứ sở Bạch dương. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc trừng phạt qua lại này.

Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu. Vì vậy, đánh vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả cũng chẳng ít hơn so với các công ty của Nga. Trao đổi thương mại giữa Nga và EU chỉ còn 235,7 tỷ USD trong năm 2015, giảm đáng kể so với con số 417,7 tỷ USD năm 2013. Còn EU ước tính bị thiệt hại tới 44 tỷ euro. Thế nên, những lệnh cấm vận này ngay từ đầu đã vấp phải nhiều tranh cãi. Các quốc gia như Đức, Italia và Hungary quan ngại về sự gián đoạn các mối quan hệ với Nga - vốn là một đối tác chính trị và kinh tế lớn của các nước này.

Nhiều nước thành viên của EU hiện đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải nhận thêm tổn thất. Hồi đầu tháng 6, Thượng viện Pháp đã thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết an ninh Châu Âu không được bảo đảm nếu không đối thoại và hợp tác với Mátxcơva. Athens đã nhiều lần khẳng định, vòng luẩn quẩn của quân phiệt hóa, đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh, hay các biện pháp trừng phạt đều không dẫn đến tương lai tốt đẹp. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel mới đây tuyên bố: “Trong tương lai lâu dài, việc cô lập Nga sẽ không đem lại điều gì hết".

Trước thực tế đó, có những dự đoán rằng: Nhiều khả năng lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn trong năm 2017. Triển vọng này được đưa ra trong bối cảnh Liên minh Châu Âu đang phải tập trung tìm các giải pháp thích ứng với việc Anh không còn là quốc gia thành viên. Một số nhà phân tích dự đoán việc Anh rời bỏ “ngôi nhà chung” có thể đẩy nhanh tiến trình hòa hợp giữa EU và Nga, đặc biệt khi London vốn ủng hộ mạnh mẽ lệnh trừng phạt chống Mátxcơva.

Thùy Dương