Biến rác làm đẹp cho đời
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:21, 03/07/2016
Làm đẹp môi trường
Hoa cúc chi, mười giờ, dạ yến thảo… khoe sắc trong những chiếc chậu nhựa xanh, đỏ, vàng, trắng, cao chừng 15cm, cắt diềm răng cưa. Bà Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Quan Hoa là người khởi xướng và thực thi “công trình nghệ thuật” này. Những chiếc chậu nhựa xinh xắn, bắt mắt ấy được "chế tạo" từ can đựng nước giặt, nước xả vải, dầu ăn... bỏ đi. Không chỉ trồng ở công sở, các chậu hoa đó còn được phát cho hội viên đem về trồng hoa, trồng rau tại gia đình. Theo bà Vũ Thị Thanh Thúy: “Nhiều bao bì sản phẩm bán trên thị trường có thể tái chế, thân thiện với môi trường”. Từ ý tưởng ban đầu, bà triển khai tới 100% hội viên phụ nữ trong phường, rồi nhân rộng thành mô hình "Sử dụng đồ tái chế trồng cây xanh" trong Hội LHPN quận Cầu Giấy. Chủ tịch Hội LHPN quận Cầu Giấy Nguyễn Kim Lê cho biết: Hiện 250 chi hội phụ nữ trong quận đã tham gia thực hiện mô hình này. Hằng ngày, chị em thu gom và phân loại rác thải, tái chế thành các bình, hộp để trồng hoa, cây xanh. Sản phẩm được trang trí ở các điểm vui chơi, nhà họp tổ dân phố. Không chỉ góp phần làm đẹp cho khu dân cư, thời gian qua, số tiền thu được từ việc bán phế liệu của chị em đạt gần 200 triệu đồng.
Những chậu hoa từ mô hình "Sử dụng đồ tái chế trồng cây xanh" của chị em Hội LHPN quận Cầu Giấy. |
Đây chỉ là một trong những mô hình sử dụng sản phẩm tái chế nhằm giảm rác thải trong các hộ gia đình, bảo vệ môi trường của phụ nữ Thủ đô, hưởng ứng chương trình do Hội LHPN Hà Nội phát động. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, các cấp hội phụ nữ trong thành phố đã tăng cường tuyên truyền và hiện thực hóa nhiều sáng kiến, khuyến khích người dân tái chế và tái sử dụng rác thải trong sinh hoạt. Dù cách làm khác nhau, nhưng những hoạt động này đã góp phần không nhỏ giúp cải thiện môi trường, giảm tình trạng tồn ứ rác thải.
Nhận thức được tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, Hội LHPN quận Hoàn Kiếm có mô hình “Gấp túi giấy và sử dụng túi giấy trong kinh doanh” rất tiện dụng. Đại diện Hội LHPN phường Lý Thái Tổ, bà Hoàng Thị Phương Lan cho biết, hiện mô hình này thu hút 40 hội viên tham gia. Túi giấy làm ra được tặng chị em kinh doanh hàng tạp phẩm, hàng khô. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên phụ nữ còn tiên phong sử dụng túi giấy, túi thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh cũng như khi đi chợ hằng ngày. Cùng mục đích bảo vệ môi trường, Hội LHPN quận Hai Bà Trưng lại có sáng kiến dùng vỏ hộp sữa các loại để tạo thành những con vật ngộ nghĩnh làm dụng cụ giảng dạy trực quan và đồ chơi cho trẻ các trường mầm non…
Và giảm nghèo hiệu quả
Có thể nói, không chỉ làm đẹp, cải thiện môi trường, phục vụ cuộc sống, nhiều mô hình tái chế rác thải còn góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, thiết thực xóa đói giảm nghèo. Mô hình “Thu gom rơm rạ, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm rơm” của Hội LHPN huyện Đông Anh là một ví dụ điển hình. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (xã Tiên Dương), đại diện cơ sở sản xuất nấm rơm cho biết: Đời sống được nâng lên, do vậy nhiều hộ dân ở nông thôn không còn sử dụng rơm rạ sau khi thu hoạch. Rơm rạ thường bị bỏ lại trên đồng ruộng, hoặc đốt ngay tại chỗ, ảnh hưởng đến môi trường. Với một tấn rơm nguyên liệu giá thành khoảng 5 triệu đồng, sau 2 tháng trồng nấm cho thu hoạch 600kg nấm sò, giá bán 30.000-40.000 đồng/kg nấm, trừ chi phí, lãi 15-20 triệu đồng/tấn. "Mô hình này đã giúp các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường. Đây thực sự là một cách xóa đói, giảm nghèo hiệu quả" - chị Nguyễn Thị Thùy Linh khẳng định. Được biết, hiện nay, ở Đông Anh có 3 xã tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này để tái chế, trồng nấm.
Về xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai hôm nay không còn cảm giác ngột ngạt bởi rác thải như những năm trước, thay vào đó là không gian sạch đẹp, thoáng mát của đường làng, ngõ xóm. Đó là nhờ Hội LHPN huyện chọn Sài Sơn làm điểm, hướng dẫn kỹ thuật, cách phân loại rác hữu cơ và ủ phân hữu cơ cho 70 gia đình hội viên, gắn với phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Hằng ngày, các hộ dân chủ động phân loại rác thải tại nhà. Những loại rác có thể tái sử dụng như vỏ chai, bìa giấy, sắt vụn được để riêng. Rác hữu cơ được tập kết, ủ làm phân bón. Bà Nguyễn Thị Thơm ở xã Sài Sơn cho biết: “Từ khi áp dụng mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn, mọi thành viên trong gia đình đều hưởng ứng nhiệt tình. Quy trình phân loại, xử lý rác làm phân hữu cơ này rất đơn giản, sạch sẽ. Hơn nữa, sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng như rau, củ, quả sẽ cho năng suất cao, chống được sâu bệnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với loại rác thải như túi ni lông, nhựa, kim loại, giấy... chúng tôi thu gom và bán cho các cơ sở thu mua để tái chế. Việc này đã giảm đáng kể lượng rác thải độc hại ra môi trường”.
Theo một tính toán của các nhà quản lý đô thị, đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh là 20 triệu tấn/ngày. Phần lớn lượng rác phát sinh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Tại Hà Nội, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15%/năm, tổng lượng rác thải lên tới 5.000 tấn/ngày. Công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị ở nước ta còn lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp. Nhưng theo ước tính, hơn 2 triệu tấn chất thải trong các bãi rác ở Việt Nam có thể tái chế. Vì thế, việc triển khai các mô hình tái chế và tái sử dụng vật dụng tại Hội LHPN các quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn Hà Nội bước đầu cho thấy hướng đi đúng, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tích cực hơn, thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về cách phân loại rác, tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lê Kim Anh cho biết: Nhiều mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường đã được các cấp hội triển khai thực hiện trong thời gian qua. Với trách nhiệm của mình, Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng đồ tái chế, góp phần giảm rác thải, cải thiện môi trường sống.