Mỹ-Trung sẽ gia tăng đối đầu ở Biển Đông sau phán quyết của PCA?
Thế giới - Ngày đăng : 08:39, 02/07/2016
Theo CSM, tình hình càng trở nên khó lường hơn khi phán quyết ngày 12/7 tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được cho là sẽ cho phép Philippines được quản lý một loạt các bãi cạn và bãi đá hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần khăng khăng cho rằng, PCA không có thẩm quyền pháp lý để xét xử vấn đề này và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của PCA.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ từng tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh Hải quân Mỹ |
Nguy cơ Hải quân Mỹ-Trung đối đầu là rất cao
Tuyên bố tẩy chay PCA gần đây nhất của Trung Quốc được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Mỹ tiến hành tập trận gần Biển Đông. Theo tờ New York Times, cuộc tập trận này được cho là ngầm thị uy Trung Quốc trước thời điểm ra phán quyết của PCA.
Điều này dẫn đến lo ngại rằng, căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc- nước ngang nhiên ra yêu sách đường 9 đoạn bao trọn hầu khắp Biển Đông dù không hề đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào- có thể leo thang thành xung đột.
“Tôi không rõ phán quyết của PCA có thể dẫn đến một hệ lụy tức thời nào hay không”, ông Mark E. Rosen, Luật sư về Luật Hàng hải Quốc tế, đồng thời là chuyên gia về Biển Đông nhận định.
Dù Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhưng việc Trung Quốc đang ráo riết cải tạo trái phép các bãi đá thành các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự trên đó đang khiến giới chức quân sự Mỹ hết sức giận giữ.
Các quan chức này lo ngại, hành động phi pháp của Trung Quốc nhằm tạo tình thế đã rồi và giành quyền khống chế trái phép các đảo nói trên có thể sẽ dẫn đến việc Hải quân Trung-Mỹ đối đầu với nhau.
Mỹ cần ASEAN gây sức ép buộc Trung Quốc nhượng bộ
Trong email gửi CSM, ông Mark Valencia, một học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm của giới chức Mỹ.
“Nhờ sự ủng hộ của Mỹ, Philippines có thể sẽ tìm cách thực thi phán quyết của PCA bằng cách đưa người lên các đảo thuộc khu vực tranh chấp và Trung Quốc có thể sẽ phải nhượng bộ.
Để làm được điều này, Mỹ cần có sự hợp tác của ASEAN để thuyết phục được các bên có tranh chấp ngồi vào bàn đàm phán và thống nhất một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Trung Quốc nên ngồi lại với Philippines bởi vụ kiện lên PCA là phương thức duy nhất để Philippines ép Trung Quốc ngồi lại đàm phán với nước này. Trung Quốc nên làm như vậy”, ông Valencia viết.
Vụ kiện Trung Quốc lên PCA của Philippines bắt đầu từ năm 2013, khi Chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino đệ đơn lên tòa sau khi xảy ra đối đầu giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.
Tuy nhiên, Tổng thống mới đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte lại tỏ ra mềm dẻo hơn trong việc tiếp cận với Trung Quốc và nhấn mạnh, ông sẽ lựa chọn các giải pháp ngoại giao khác trong trường hợp Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa.
“Chúa hiểu rằng tôi thực sự không muốn gây chiến với bất kỳ ai”, ông Duterte nói: “Nếu chúng tôi có thể có hòa bình chỉ thông qua đối thoại, tôi sẽ rất vui mừng được làm điều đó”.
Trung Quốc cần xem lại tham vọng sai trái
Theo báo cáo từ Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cùng với việc ra yêu sách đường 9 đoạn bao trùm 90% diện tích Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện để 3 tập đoàn dầu khí lớn nhất nước này “kiếm bộn tiền” nhờ các hoạt động thăm dò và khai thác trái phép tại đây.
Từ đó, lãnh đạo các tập đoàn này lại hối thúc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục mở rộng lãnh hải [một cách phi pháp-ND] để tạo điều kiện cho họ có thể tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác ngoài xa vùng lãnh hải thực tế của Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra rằng, đối đấu trên Biển Đông có thể giải quyết được phần nào bằng việc Trung Quốc hợp tác cùng khai thác với Philippines trên khu vực tranh chấp giữa hai bên.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, phán quyết của PCA có thể sẽ là “động lực” để Trung Quốc chấp thuận đàm phán với Philippines. Bà Yanmei Xie, chuyên gia phân tích về Trung Quốc của CGI nhận định căng thẳng trên Biển Đông “không phải là không thể tránh khỏi”.
“Bằng cách nêu rõ tính pháp lý của mình trong việc đưa ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines ở Biển Đông đang thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, PCA sẽ làm giảm sự “bất đối xứng” giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á láng giềng”, bà Xie nói.
“Các quốc gia Đông Nam Á này đều muốn tránh xa kịch bản Bắc Kinh đối đầu với Washington cũng như muốn Trung Quốc cân nhắc “cái giá phải trả” cho tham vọng mở rộng lãnh hải phi pháp của mình”, bà Xie kết luận./.