Phải sớm xác định rõ địa giới bảo vệ rừng

Đời sống - Ngày đăng : 07:36, 01/07/2016

(HNM) - Gần đây, tình hình quản lý, bảo vệ rừng thuộc xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn), địa bàn giáp ranh với xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên - tỉnh Vĩnh Phúc) nảy sinh nhiều vụ việc phức tạp như vụ việc người dân xã Ngọc Thanh chích hút nhựa thông, đặc biệt là vụ chặt phá 125 cây keo vào cuối tháng 6 vừa qua.


Hiện trường vụ chặt hạ rừng phòng hộ tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn ngày 22/6. Ảnh: Đàm Quân


Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn, ngày 22-6, lực lượng bảo vệ rừng của xã Minh Trí phối hợp với công an xã, kiểm lâm địa bàn đã bắt một vụ khai thác rừng trái phép tại lô 4.1; 4.2 và 5.2 thuộc khoảnh 1 rừng phòng hộ. Số lượng cây bị chặt hạ là 125 cây keo các loại có đường kính gốc từ 12 đến 40cm. Đối tượng bị bắt giữ là ông Lý Tiến Bằng, sinh năm 1986, có hộ khẩu thường trú tại thôn An Bình, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, ông Lý Tiến Bằng cho biết khu rừng ông khai thác được xã Ngọc Thanh giao quản lý từ năm 1996.

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên: Khu vực rừng bị khai thác trái phép tại xã Minh Trí là rừng phòng hộ. Theo quy định của Luật Phát triển rừng, nếu khai thác trái phép rừng phòng hộ vượt quá 15m3 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để vụ việc được giải quyết khách quan thì việc bảo vệ hiện trường và khai thác chứng cứ là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, một số người dân xã Ngọc Thanh đã cản trở lực lượng kiểm lâm Hà Nội thu số gỗ khai thác trái phép về đo đếm, nên chưa thể xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Tuyên nhận định, đây là sự việc nghiêm trọng và phức tạp.

Còn ông Tạ Văn Chiêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án rừng đặc dụng Sóc Sơn - đơn vị được giao quản lý rừng trên địa bàn xã Minh Trí khẳng định: Diện tích rừng nói trên do huyện Sóc Sơn trồng và có hồ sơ quản lý rõ ràng. Cụ thể, theo bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ năm 1998 và điều chỉnh năm 2008, diện tích rừng và đất nông nghiệp ở khoảnh 1 được quy hoạch là 60,3ha. Ban Quản lý rừng đặc dụng Sóc Sơn được thành lập năm 1999 đã tiến hành trồng rừng tại khu vực này với diện tích hơn 48ha. Quá trình trồng rừng không vấp phải sự cản trở của người dân, chính quyền xã Ngọc Thanh. Năm 2013, Ban Quản lý tiếp tục trồng bổ sung những diện tích rừng bị cháy không có khả năng phục hồi ở khu vực này. Còn theo bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, huyện thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ rừng ở khu vực này, hằng năm đều bố trí kinh phí thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Khi phát hiện vụ chặt phá rừng nói trên, UBND huyện Sóc Sơn đã gửi giấy mời lãnh đạo thị xã Phúc Yên sang làm việc, phối hợp giải quyết nhưng không được hồi đáp, hợp tác.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc cho rằng, việc giao đất, giao rừng trên địa bàn thành phố hiện triển khai rất chậm. Tương tự, việc phân giới, cắm mốc cũng chậm đã gây khó khăn cho công tác quản lý rừng. Hiện nay, rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn được giao cho 2 cơ quan quản lý gồm: Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) và Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) nên rõ ràng chưa thống nhất một mối. Trước mắt, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với các phòng, ban của huyện Sóc Sơn hoàn thiện hồ sơ ban đầu vụ việc, đồng thời, có văn bản gửi UBND thị xã Phúc Yên về việc phá rừng phòng hộ. Ông Ngọc nhận định, khu rừng này nhiều năm nay thường xảy ra tranh chấp. “Vào tháng 3-2012 khu vực rừng phòng hộ thuộc huyện Sóc Sơn cũng bị người dân xã Ngọc Thanh khai thác trái phép 200 cây thông. Nếu đối tượng khai thác rừng trái phép không bị xử lý chắc chắn sẽ còn phát sinh những vụ việc tiếp theo” - ông Ngọc nhận định.

Nguyễn Mai