Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Công nghệ - Ngày đăng : 07:33, 01/07/2016
Sản phẩm giống đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Phúc cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Sở NN&PTNT, Hà Nội có 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận với tổng số 386 xã, phường còn hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp của thành phố là hơn 188 nghìn héc ta, với trên 3,7 triệu cư dân nông thôn, chiếm trên 50% dân số thành phố. Đây thực sự là nguồn lực lớn cho xây dựng, phát triển Thủ đô. Dù quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn có những đóng góp quan trọng, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân...
Ông Lê Thiết Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, phát huy kết quả đạt được, Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đặt ra mục tiêu: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn thành phố phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 3,5-4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được chú trọng; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Mục tiêu đặt ra rất lớn, song một trong những hạn chế lớn của nông nghiệp Hà Nội hiện nay là sản xuất còn manh mún, đa phần ở quy mô hộ gia đình. Mức độ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn thấp nên năng suất, chất lượng sản phẩm hạn chế; việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu... trong khi tiến độ CGCNQSDĐ còn quá chậm mặc dù việc dồn điền, đổi thửa đã hoàn thành khá lâu.
Trước những khó khăn trên, triển khai Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo thành phố đã đưa ra quyết tâm cao, đặc biệt là vấn đề CGCNQSDĐ. Ban Chỉ đạo Chương trình đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Sở NN&PTNT chủ trì kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc giúp đỡ công tác CGCNQSDĐ nông nghiệp tại 18 huyện, thị xã. Về cơ bản, những vướng mắc đã được giải đáp, tháo gỡ. Hiện các điều kiện cần thiết để CGCNQSDĐ nông nghiệp cho nông dân như kinh phí, thủ tục pháp lý đã đầy đủ, thuận lợi, không còn vướng mắc, thành phố phấn đấu quyết liệt hoàn thành công tác này trong năm 2016.
Cùng với việc CGCNQSDĐ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình 02-CTr/TU đặt ra là đẩy mạnh sản xuất sau DĐĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao đời sống nông dân. Tại hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu nông nghiệp công nghệ cao Yên Nghĩa (quận Hà Đông), phấn đấu khởi công trong quý III hoặc quý IV năm nay. Dự án do Vineco (thuộc Tập đoàn VinGroup) đầu tư có quy mô giai đoạn 1 là 75,95ha tập trung ở khu vực bãi Sông Đáy trên địa bàn phường Yên Nghĩa. Dự án hoàn thành không chỉ nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất có năng suất, chất lượng cao, mà còn giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều huyện cũng đã xác định sẽ ưu tiên cho phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao đời sống người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, từ khi về đích huyện nông thôn mới, huyện đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên các vùng rau, hoa, cây ăn quả và chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân. Tại huyện Phúc Thọ, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã xây dựng chương trình riêng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị canh tác là hết sức cần thiết. Trong giai đoạn tới, huyện Phúc Thọ sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đồng thời xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho hàng nông sản. Huyện cũng sẽ mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện về đất đai, thủ tục hành chính, lao động… để các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất hiệu quả.