“Internet vạn vật” và cơ hội của ngành điện tử

Công nghệ - Ngày đăng : 07:15, 01/07/2016

(HNM) - Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) phát triển mạnh mẽ, song đáng buồn là ngành điện tử, một trong những nền tảng cốt lõi của ICT và cũng là lĩnh vực được quan tâm đầu tư lớn trong rất nhiều năm lại đang


Công nghiệp điện tử đang ở đâu?

Những “ông lớn” như “họ” VIETTRONICS: Đống Đa, Thủ Đức, Tân Bình hay HANEL nổi tiếng một thời nay chẳng ai còn nhớ, dù vẫn đang tồn tại trên danh nghĩa. Các cơ sở nghiên cứu phát triển tên tuổi nói trên đang thoi thóp, hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực giống điện tử. Các trường đại học, bộ môn kỹ thuật điện tử cao quý một thời nay ẩn mình ở một góc trong các ngành ICT.

HANEL - Thương hiệu “vang bóng” một thời trong lĩnh vực điện tử.



Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nước ta đã có một cơ sở sản xuất bán dẫn đúng nghĩa, hiện đại, đầy tham vọng, là Nhà máy Z181 (Bộ Quốc phòng). Những năm đầu đổi mới, HANEL đảm đương việc đưa "cái hình" về tận vùng sâu, vùng xa. Các công ty thuộc Tổng công ty cổ phần Điện tử, Tin học Việt Nam (VEIC) khi đó đã sản xuất đủ loại sản phẩm điện tử dân dụng phục vụ thị trường trong nước. Nhưng có lẽ, điều đó chỉ phù hợp trong thời kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp. Vào những năm 80, những cơ sở đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu nghiên cứu phát triển điện tử được thành lập, thực hiện nhiều dự án lớn như chế tạo máy tính cá nhân (PC) giá rẻ phục vụ giáo dục, hay phát triển ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực bưu điện, truyền tin. Tại các trường đại học kỹ thuật, kỹ thuật điện tử là ngành "sang trọng", thu hút nhiều thế hệ tài năng...

Chỉ điểm qua như vậy cũng đủ thấy ngành điện tử nước nhà có một thời lấp lánh hào quang. Ngành công nghiệp điện tử hiện đang ở đâu trong thị trường gần 100 triệu dân, khi đất nước đang trỗi dậy trở thành một điểm đến của khu vực?

Nhìn ra thế giới, thất bại của Sony (Nhật Bản) đã trở thành bài học lớn cho nhiều "đế chế" sản xuất thiết bị điện tử. Khi Sony thừa nhận thua cuộc trước các đối thủ Hàn Quốc vào năm 2012, nhiều người dân Nhật Bản cho rằng, lỗi là do "chảy máu chất xám" sang các tập đoàn cạnh tranh của Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Lãnh đạo Sony thì luôn cho rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ làm "linh kiện" cho Sony, nhưng thực tế Sony chỉ có lợi nhuận ròng dưới 5% cho các sản phẩm, ngược lại các doanh nghiệp làm linh kiện có lợi nhuận 30%.

Khi kinh tế thị trường là yếu tố quyết định chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, chứ không phải những nhân tố duy lý nào khác thì cơ hội phát triển thuộc về tiềm năng của thị trường. Một thị trường tiềm năng thì luôn sôi động và đông người, nhưng cũng khó có cơ hội ở một lĩnh vực không có tiềm năng lớn.

Cơ hội cho ngành điện tử nước nhà?

"Internet của vạn vật" trong nhận thức của nhiều cá nhân chỉ là câu chuyện “bình mới rượu cũ”. Tuy nhiên, “bình mới” được thiết kế quá hấp dẫn nên “rượu cũ” vẫn được thị trường tìm tới, hứa hẹn trở thành “bom tấn” trong thế kỷ XXI.

Theo các chuyên gia Intel, IoT đang là một cơ hội lớn, với khoảng 15 tỷ thiết bị đang kết nối internet và dự báo đến năm 2020 tăng lên đạt khoảng 50 tỷ thiết bị. Intel cũng khuyến nghị một số lĩnh vực đầy tiềm năng có thể áp dụng IoT như giao thông, y tế, nông nghiệp và Việt Nam cần có lựa chọn phù hợp, với cam kết lâu dài.

Tạp chí Business Insider gần đây đưa ra một nhận định hay, rằng trong 10 năm gần đây các tiến bộ khoa học - công nghệ mới đã phát triển hơn 10.000 năm trước cộng lại. Trong nhận định về xu hướng của tiến bộ công nghệ những năm tới, cùng với 4 lĩnh vực khác thì IoT được cho sẽ là một lĩnh vực phát triển bùng nổ. IoT sẽ là thị trường phần cứng lớn nhất toàn cầu, gấp đôi tổng số điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị đeo (wearable devices) và máy tính cá nhân cộng lại vào năm 2019. Có thể nói, mọi thứ sẽ được "Internet hóa". IoT có quy mô, sức lan tỏa lớn, sự gần gũi thực tiễn, không ai đủ sức tưởng tượng hết các ứng dụng của IoT trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, vấn đề an ninh thông tin sẽ là một thách thức không nhỏ của IoT.

Tại Việt Nam, IoT đang được cổ vũ rầm rộ, đây chỉ là bước ban đầu quan trọng để IoT trở thành một lĩnh vực kiếm tiền cho các chuyên gia công nghệ nội. Vậy nhưng, khi lướt qua thông tin thì có thể thấy rất ít tổ chức quan tâm đến một nền tảng vô cùng quan trọng của IoT, đó là các thiết bị đầu cuối (devices). Tiềm năng ứng dụng của "things" - vạn vật, là vô cùng lớn, do đó lựa chọn cách nhập khẩu devices sẽ là không khôn khéo.

"Things" thực sự sẽ là một cơ hội cho ngành điện tử trong nước, khi IoT bùng nổ. Biết bao nhiêu devices là đủ cho nhu cầu thị trường? Mặc dù "things" thể hiện sự đa dạng, nhưng nó lại quyết định tính cá thể, đặc thù địa lý và nhân tố an toàn thông tin.

Không sai khi cho rằng IoT sẽ thực sự là cơ hội "kiếm tiền" lớn cho dân kỹ thuật điện tử Việt, vấn đề là họ còn đủ "sức" chiến đấu nữa hay không mà thôi.

Nguyễn Mạnh Cường