EU họp Thượng đỉnh sau sự kiện Brexit: Sốc nhưng không tiếc nuối
Thế giới - Ngày đăng : 06:38, 01/07/2016
Hội nghị kéo dài 2 ngày cũng là dịp để những thành viên còn lại nêu cao quyết tâm "EU 27" sẽ vẫn tồn tại một cách thống nhất. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy trong cuộc họp này là sự “lạnh nhạt” mà EU dành cho Anh sau khi nước này khiến Liên minh rơi vào cơn "địa chấn" lớn nhất trong lịch sử 59 năm tồn tại.
Chiếc ghế của lãnh đạo Anh bị bỏ trống trong ngày hội nghị thứ hai. |
Sốc nhưng không tiếc nuối. EU một lần nữa khẳng định quan điểm muốn Anh rời khỏi Liên minh càng sớm càng tốt. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, London cần hành động nhanh chóng, nhằm giải quyết những rắc rối chính trị và kinh tế, tránh gây ảnh hưởng và áp lực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết yêu cầu London kích hoạt tiến trình rời khỏi EU ngay lập tức bằng cách đưa ra tuyên bố chính thức, tiến hành đàm phán và đề ra các điều khoản ra đi trong 2 năm. Tại cuộc họp báo ngay sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho rằng, việc nước Anh rời EU cần được tiến hành một cách có tổ chức như quy định tại Điều 50, Hiệp ước Lisbon; đồng thời nhấn mạnh: Không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào cho đến khi Anh chính thức đệ đơn xin rời EU.
Trước sự kiên quyết đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chối yêu cầu về việc chính thức bắt đầu quy trình đưa Anh ra khỏi Liên minh và cho rằng đây là nhiệm vụ của vị Thủ tướng kế nhiệm sẽ được bầu vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, ông D.Cameron vẫn mong muốn Anh có mối quan hệ "gần gũi nhất có thể" với EU, khi các quốc gia trong Liên minh vẫn là “hàng xóm, bạn bè, đồng minh và đối tác” cần thiết của London. Trong bài phát biểu cuối cùng tại Hội nghị Thượng đỉnh EU với tư cách lãnh đạo của một quốc gia thành viên, ông D.Cameron đã đưa ra một số lý do khiến người dân quốc đảo Sương mù lựa chọn phương án Brexit. Theo đó, chính sách nhập cư của Liên minh là một nguyên nhân khiến nhiều người Anh nghi ngại vấn đề nhập cư đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. London muốn ký một thỏa thuận thương mại tự do với EU nhưng với điều kiện vấn đề nhập cư phải được hạn chế...
Đây là điều mà giới lãnh đạo EU không chấp nhận. Không chỉ thúc giục sớm hoàn thành thủ tục “ly hôn”, các lãnh đạo EU còn nhấn mạnh đến khả năng tiếp cận thị trường chung Châu Âu của nước Anh. 27 nguyên thủ của các nước thành viên EU lần đầu tiên tiến hành cuộc họp mà không có sự tham gia của Thủ tướng D.Cameron và đã nhất trí rằng, London sẽ không nhận được bất kỳ sự ứng xử ngoại lệ nào nếu muốn tiếp tục mua bán hàng hóa trong khu vực thương mại tự do. EU đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng: Việc tiếp cận với thị trường chung Châu Âu đòi hỏi phải chấp nhận cả 4 quyền tự do cơ bản gồm tự do đi lại, tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ và vốn.
Về vấn đề an ninh, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh - đối ngoại của EU Federica Mogherini kêu gọi Liên minh củng cố năng lực quốc phòng sau khi giới lãnh đạo EU thừa nhận việc Anh rời khỏi “mái nhà chung sẽ khiến Liên minh mất đi một trụ cột quân sự quan trọng". Bà F.Mogherini nhấn mạnh: Người dân các nước Châu Âu phải có trách nhiệm hơn với an ninh của khối theo hướng nâng cao năng lực phát hiện, phản ứng kịp thời và bảo vệ hiệu quả chính mình trước các mối đe dọa bên ngoài.
Đúng như dự đoán, cuộc chia tay giữa Anh và EU là đầy phức tạp với những dư chấn mạnh cho cả hai phía. Việc kiên định lập trường cứng rắn, dứt khoát với London cũng là một cách thức để EU gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng, những quốc gia từ bỏ Liên minh sẽ gặp nhiều bất lợi và không nhận được bất kỳ sự thỏa hiệp nào. Quan điểm này được thống nhất ngay sau khi cử tri Anh lựa chọn Brexit và những lo ngại về một “hiệu ứng domino” đang có dấu hiệu manh nha ở Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan… Một thực tế rõ ràng là nếu chủ nghĩa ly khai được cổ xúy sẽ dẫn tới nguy cơ sụp đổ một liên minh từng được đánh giá là lớn nhất, thành công nhất trong lịch sử thế giới.