Ấn tượng đảo An Bang

Đời sống - Ngày đăng : 17:56, 30/06/2016

(HNMO)- Đảo An Bang là một trong những đảo nổi thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo nằm cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo Thuyền Chài hơn 20 hải lý về phía Tây Nam...

Đảo An Bang nằm trên thềm san hô ngập nước. Khi thủy triều xuống thấp, độ cao của đảo khoảng 3m, mép bờ đảo xa thêm khoảng 50m. Đảo do các tảng đá san hô liên kết với nhau tạo nên. Bờ đảo được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp; còn bờ Nam của đảo là bãi cát thường thay đổi theo mùa: từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, được bồi thêm cát thành một bãi cát dài; nhưng từ tháng 8 trở đi, bãi cát này dần biến mất và dịch sang bờ phía Đông của Đảo. Đây cũng là điều thú vị và đầy ấn tượng đối với ai có dịp đến thăm đảo An Bang.

Một góc đảo An Bang


Do cấu trúc san hô của đảo dựng đứng nên 4 mùa sóng vỗ. Do vậy, việc ra vào đảo gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào đảo.

Là đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, đảo An Bang mang đặc điểm, tính chất khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa: mát mẻ về mùa hè, ấm về mùa đông; hàng năm, tỷ lệ ngày nắng, nóng, giông tố chiếm nhiều hơn. Độ mặn trong hơi nước và không khí cao, thêm vào đó đảo không có nước ngọt, thổ nhưỡng là cát san hô, bề mặt có phủ một lớp mùn mỏng, nghèo chất dinh dưỡng nên cây cối trên đảo rất khó phát triển.


Nằm ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo An Bang có vị trí rất quan trọng như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Cùng với các đảo trong quần đảo Trường Sa, đảo An Bang tạo thành lá chắn vòng ngoài, ngăn chặn các hoạt động chống phá, tiến công của kè thù trên hướng biển; khống chế các máy bay quân sự, các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia; kết hợp với ngư dân các địa phương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên khu vực phía Nam Trường Sa.

Ấn tượng khi đến đảo An Bang


Đảo An Bang nằm gần đường hàng hải quốc tế tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới. Do đó, nếu được đầu tư, đảo An Bang sẽ là địa điểm làm dịch vụ hàng hải mang lại lợi nhuận cao. Để phục vụ cho hoạt động hàng hải, đèn biển trên đảo đã được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1996. Trên các hố của thềm san hô có nhiều loài tôm, cá quý hiếm như cá ngừ, cá mú, tôm hùm,… rất thuận tiện cho đánh bắt, chế biến, xuất khẩu.

Nếu một lần được đến với đảo An Bang, hẳn trong ai cũng tràn đầy ấn tượng trước màu xanh của những tán bàng vuông, thêm vào đó là màu xanh của những luống rau, mà ai cũng hiểu chỉ có nhờ vào bàn tay chăm bón chuyên cần của các chiến sỹ trên đảo mới có được như vậy. Ngoài ra, ấn tượng mạnh với mỗi người có lẽ là sóng ở đây thật dữ dội, để giúp mọi người từ thuyền đặt chân lên được đảo hoặc ngược lại, các chiến sỹ trên đảo đã phải vật lộn hết sức vất vả với từng đợt sóng, cho dù đó là mùa “tháng Ba bà già đi biển”!

Những hình ảnh phóng viên Hànộimới Online ghi được trên đảo An Bang:

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Trưởng đoàn công tác số 9/2016 đến thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang trong tháng năm vừa qua

Từ tàu vào đảo

Dù chưa phải là thời điểm sóng dữ, nhưng để giúp mọi người từ thuyền lên được đảo các chiến sỹ đảo An Bang phải căng mình vật lộn với những đợt sóng

Cột mốc chủ quyền

Hệ thống pin mặt trời, điện gió là nguồn cung cấp điện sinh hoạt cho đảo

Thật ấn tượng với khu trồng rau xanh trên đảo An Bang

Nước ngọt được triệt để tiết kiệm và tận dụng dùng tưới rau

Khu chăn nuôi trên đảo

Nhà bếp ở đảo An Bang

Ngọn hải đăng đảo An Bang

Góc phơi quần áo

Bàng vuông khoe sắc

Trung kiên

Phút thảnh thơi của người lính đảo

Minh Huệ