Nhà biên kịch Châu Thổ: Khán giả chọn lựa phim tử tế

Văn hóa - Ngày đăng : 07:36, 30/06/2016

(HNM) - Nhà biên kịch Châu Thổ đã có buổi trò chuyện với Báo Hànộimới về công việc làm báo chuyên ngành điện ảnh và nghề làm phim mà chị đang theo đuổi.



Nhà biên kịch Châu Thổ đã có buổi trò chuyện với Báo Hànộimới về công việc làm báo chuyên ngành điện ảnh và nghề làm phim mà chị đang theo đuổi.

Nhà biên kịch Châu Thổ. Ảnh: VTC


- Dường như người viết báo điện ảnh cần phải am hiểu sâu về điện ảnh, thậm chí còn phải biết rộng hơn cả những người làm điện ảnh thông thường. Chị có đồng ý với quan điểm này không?

- Chính xác! Người viết báo điện ảnh phải làm một phần việc của một nhà phê bình nghệ thuật. Người ta nói điện ảnh muốn phát triển phải có những nhà phê bình giỏi để cầm roi quất cho con ngựa lồng lên, phi về phía trước. Người làm phim dù là ở khâu nào đều phải biết kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh, từ đó truyền đi thông điệp cuộc sống. Người xem chỉ cảm thụ một bộ phim bằng cảm xúc, nhưng người viết báo điện ảnh thì phải nhìn sâu hơn để thấy các nhà làm phim đã kể câu chuyện đó bằng cách nào, hay dở ra sao, có đạt hiệu quả không…

- Kịch bản của chị thường gai góc và ám ảnh. Có câu “văn là người”, điều đó có mối liên hệ nào với con người chị ngoài đời không?

- Cuộc đời tôi khá nhiều sóng gió. Trước thì thường than thở nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy mình may mắn, vì chính những điều ấy lại trở thành kho báu trong công việc sáng tác của mình.

- Có thể nói chị là một trong số nhà biên kịch “vàng” từng kinh qua các đề tài khác nhau. Có khi nào chị nghĩ đã đến thời điểm chị và Senafilm nên dấn thân vào điện ảnh thương mại?

- Thật ra tôi và Senafilm đã làm phim thương mại trong suốt 10 năm rồi đó chứ. Năm ngoái, chúng tôi sản xuất phim điện ảnh “Trót yêu”, tuy không thắng lớn về doanh thu, nhưng khẳng định được thời kỳ phim tâm lý xã hội bắt đầu được đón nhận giữa lúc phim hài nhảm bước vào giai đoạn suy thoái. Năm nay, chúng tôi chuẩn bị hợp tác cùng Hãng phim Giải phóng và Hãng Aga Hàn Quốc sản xuất tiếp phim điện ảnh thuộc đề tài tâm lý xã hội. Nếu không có gì thay đổi cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay chúng tôi sẽ bấm máy.

- Một câu hỏi đã cũ nhưng chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng, đó là gu thưởng thức của khán giả hiện nay là gì? Đề tài nào sẽ được coi là ăn khách của điện ảnh thị trường?

- Gu thưởng thức điện ảnh của khán giả luôn là một ẩn số thú vị không riêng với Việt Nam. Vì vậy, các nhà đầu tư điện ảnh, luôn được ví là những nhà thám hiểm gan góc. Với cá nhân tôi, gần đây qua theo dõi thị trường, tôi rất mừng khi các phim điện ảnh đầu tư chuyên nghiệp, nội dung tốt... đang đứng vững ở rạp. Như bộ phim tình cảm tâm lý xã hội của Mỹ “Me Before You” thắng lớn trên thị trường thế giới và Việt Nam. Một câu chuyện bình dị, cách kể bình dị, diễn viên không phải ngôi sao, nhưng kịch bản sâu sắc, tinh tế, đầy tính nhân văn, cảnh quay đẹp lộng lẫy, âm nhạc tuyệt vời đã khiến khán giả rung động. Có lẽ điện ảnh Việt Nam nên theo hướng này…

- Nhìn vào sự phát triển của điện ảnh hôm nay, có thể nói bây giờ là thời đại “vàng” của các nhà biên kịch, thậm chí còn được quyền lựa chọn nhà sản xuất để bán kịch bản, có đúng không thưa chị?

- Thời đại đó sắp qua, theo tôi. Bây giờ là thời đại của những nhà sản xuất chuyên nghiệp và những nhà biên kịch chuyên nghiệp, biết trân quý công việc của mình và coi trọng khán giả. Các rạp chiếu mỗi tuần một phim Việt mới, nhưng 70 - 80% không thắng. Bởi khán giả chọn lựa phim tử tế và quay lưng với phim nhảm.

- Vậy theo chị, cần đạt được những tiêu chí gì thì được coi là một bộ phim thành công?

- Tôi cho rằng, một bộ phim thành công phải đạt được cả 3 yếu tố: Giải trí - mang đến được cảm xúc chân thực; Giáo dục - mang đến được điều gì cho khán giả sau khi xem phim; Thương mại - đem lại vốn cho nhà đầu tư để tiếp tục sản xuất.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Thủy Tiên