Bộ đội về làng giúp dân
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:10, 30/06/2016
Các chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) giúp nhân dân xã Yên Trung, huyện Thạch Thất (Hà Nội) xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thái Hiền |
Những ngày đầu tháng 6, thầy thuốc của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cùng với lực lượng quân y của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện Sóc Sơn. Bước ra từ phòng khám của trạm y tế xã, bà Nguyễn Thị Ngân, xã Hồng Kỳ bày tỏ: “Lần đầu tiên được bác sĩ về tận xã khám bệnh nên tôi rất xúc động. Nhờ bác sĩ tôi mới biết mình mắc bệnh hô hấp. Bác sĩ còn dặn tôi cách dùng thuốc, giữ gìn sức khỏe”.
Tại Trung đoàn 692 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), việc huấn luyện kết hợp làm công tác dân vận, giúp dân nhiều năm nay đã trở thành hoạt động thường xuyên của đơn vị. Từ năm 2011 đến nay, CBCS của Trung đoàn đã góp sức giúp địa phương đào đắp, tu sửa hơn 30km đường liên thôn, liên xã, nạo vét hơn 20km kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, giúp nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu với hơn 1.300 ngày công. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, y, bác sĩ của Trung đoàn đã khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 600 lượt người.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Trung (Thạch Thất) Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Bốn năm nay, CBCS của Trung đoàn 692 đều về làm công tác dân vận tại địa phương. Mỗi dịp đón bộ đội về làng, cả xã như ngày hội lớn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Bộ đội còn cùng nhân dân phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh cho đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Đặc biệt, công trình nhà văn hóa xã do Trung đoàn 692 xây dựng gần 4 năm nay đã và đang phát huy hiệu quả, thực sự là công trình có ý nghĩa đối với nhân dân.
Phát huy hiệu quả công tác dân vận những năm qua, từ nay đến tháng 7, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các bệnh viện quân đội đóng quân trên địa bàn cùng Ban chỉ huy quân sự các địa phương sẽ tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại các xã nghèo, xã là cơ sở cách mạng trong những năm tháng chiến tranh. Cùng với đó, các đơn vị chủ lực của Bộ Tư lệnh sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận.
Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: Ngay từ đầu năm 2016, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch huấn luyện kết hợp làm dân vận. Vì vậy, hoạt động dân vận diễn ra với quy mô lớn, tạo hiệu ứng xã hội rộng khắp và thu hút nhiều lực lượng tham gia. Đặc biệt, công tác dân vận kết hợp với phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai rất hiệu quả. Nhiều công trình do bộ đội ủng hộ, xây dựng như: Hệ thống tưới tiêu, đường giao thông nông thôn, trạm y tế xã, trường học, nhà văn hóa đã và đang phát huy hiệu quả, phục vụ nhân dân. Các đơn vị quân đội còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, xóa đói, giảm nghèo, xây sửa nhà dột nát...
Bộ đội về làng giúp dân đã trở thành nét đẹp của người chiến sĩ Thủ đô, từ đó góp phần tăng thêm sức mạnh, mối đoàn kết quân - dân bền chặt.
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, Bộ Tư lệnh đã duy trì 85 địa chỉ kết nghĩa, 32 cụm địa bàn an toàn, cụm đoàn kết quân dân hoạt động có hiệu quả. Bộ Tư lệnh đã đưa 175 lượt tổ công tác cùng với các ban, ngành, đoàn thể địa phương nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân giải quyết tốt các vụ việc phức tạp. Các đơn vị chủ lực đã đưa hơn 8.000 lượt CBCS hành quân dã ngoại huấn luyện và làm công tác vận động quần chúng; đóng góp trên 10.000 ngày công; sửa chữa và làm mới hơn 300km đường liên thôn, nạo vét 500km kênh mương nội đồng; thu hoạch, chăm sóc gần 300ha hoa màu; xây phòng học, tặng đồ dùng học tập cho các cháu học sinh… Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với các bệnh viện quân đội đóng quân trên địa bàn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hơn 1.400.000 đối tượng chính sách... |