Nước Anh đang chia rẽ

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:29, 30/06/2016

(HNM) - Đúng một tuần kể từ ngày người dân Anh bỏ phiếu quyết định ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, những câu chuyện liên quan đến sự kiện chấn động này vẫn tràn ngập các mặt báo.

Ngày 29-6, Hãng tin BBC đã đăng tải câu chuyện về một gia đình có tên Hannons. Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, họ từng có một cuộc sống êm đềm. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi sau "ngày thứ năm đen tối" tuần trước khi cậu con trai Connor, 20 tuổi và các em lựa chọn "ở lại" cho nước Anh. Trong khi đó, bố mẹ Connor đưa ra quyết định ngược lại. Các cuộc tranh luận đã nổ ra và đây là một ví dụ phản ánh những gì đang diễn ra tại xứ Sương mù.

Nhiều người Anh đã xuống đường phản đối Brexit.


Với những người lựa chọn Brexit, kết quả trưng cầu dân ý là một thắng lợi lớn cho tinh thần dân tộc. Trong quan điểm của những cử tri lớn tuổi, việc gia nhập EU đã làm nước Anh mất dần bản sắc. Họ muốn nước Anh quay trở lại thời kỳ độc lập hoàn toàn như trước năm 1973. Một lượng cử tri khác thì cho rằng, Brexit sẽ giúp nước Anh không phải gánh chịu những hiểm họa gây ra bởi làn sóng di cư từ Trung Đông, Châu Phi, những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng đồng euro cùng gánh nặng kinh tế phải chia sẻ với những quốc gia nghèo trong "ngôi nhà chung". Còn với những cử tri đã "nói không", kết quả cuộc trưng cầu dân ý vẫn là một sự thật không thể tin nổi. Chỉ qua một đêm, họ đã phải đối mặt với hiện thực phũ phàng khi thu nhập của mỗi gia đình có thể giảm tới 5.000 euro, tăng trưởng kinh tế có thể giảm tới 4%, giá trị đồng bảng lao dốc...

Theo đánh giá của các nhà phân tích, giới trẻ Anh là đối tượng hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất quyền đi lại tự do tại 27 quốc gia EU. Như vậy có nghĩa là cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp và học tập sẽ bị hạn chế. Brexit cũng là nguyên nhân khiến quốc đảo này có nguy cơ mất 820.000 việc làm.

Tình trạng "người mừng, kẻ lo" trước viễn cảnh mịt mùng của đất nước là nguyên nhân đẩy những mâu thuẫn trong xã hội Anh liên tục leo thang trong những ngày qua. Nhiều người lo ngại quốc đảo này sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, nhiều cuộc biểu tình phản đối Brexit đã diễn ra tại trung tâm thủ đô London. Hệ lụy không dừng lại ở đó, nước Anh còn đứng trước nguy cơ bị chia tách khi một số khu vực không đồng tình với lựa chọn rời khỏi EU.

Ngày 29-6, lãnh đạo Scotland và Gibraltar, hai vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh đã thống nhất quan điểm về việc giữ hai vùng lãnh thổ này ở lại EU. Hai bên sẽ cử các nhóm chuyên gia làm việc chung để cùng đánh giá tình hình và tìm ra phương hướng hành động. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cũng đã khiến người dân London thất vọng. Họ đang kêu gọi thành phố giành quyền độc lập để vẫn có thể được ở lại với EU. Đơn kiến nghị kêu gọi Thị trưởng Sadiq Khan tuyên bố London là một thành phố độc lập đã thu hút được hơn 26.000 chữ ký chỉ trong vài giờ.

Trên chính trường, sự chia rẽ trong nội bộ các đảng phái cũng đã bùng phát mạnh mẽ mà đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron là rõ ràng nhất. Chính áp lực từ phe ủng hộ Brexit đã dẫn tới việc ông D.Cameron phải đưa ra cam kết tổ chức trưng cầu dân ý khi trở thành đại diện cho đảng này tranh cử vào năm ngoái. Hiện tại, việc Thủ tướng D.Cameron từ chức sẽ khiến đảng Bảo thủ đau đầu trong việc lựa chọn người kế nhiệm. Những lục đục xảy ra trong Công đảng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Đã có 20 vụ từ chức của các nghị sĩ thuộc chính đảng này và dự kiến các vụ việc tương tự có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày tới. Nhiều nghị sĩ cho rằng ông Jeremy Corbyn - lãnh đạo đảng - phải chịu trách nhiệm về thất bại của phe ủng hộ nước Anh ở lại EU. Họ đánh giá chính trị gia này thiếu khả năng lãnh đạo và sẽ không thể đưa Công đảng giành chiến thắng.

Nếu không sớm có những đáp án phù hợp với tình hình mới, uy tín của hai chính đảng lớn của Anh sẽ đi xuống, tạo điều kiện cho các đảng cực hữu trỗi dậy. Trước mắt, nước Anh có quá nhiều vấn đề phải giải quyết cho "sự đã rồi". Tuy nhiên, sự chia rẽ nội bộ có thể kéo chậm lại quá trình xây dựng các kế hoạch và lộ trình cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại cho cả Anh lẫn EU, khiến hệ lụy của Brexit càng thêm nặng nề.

EU họp thượng đỉnh bàn về Brexit

Ngày 29-6, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận về những hậu quả sau khi Anh rời khỏi EU. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, hội nghị này sẽ thảo luận về những cải cách cần thiết trong EU để duy trì sự thống nhất của khối.

Lâm Phương