Sẵn sàng tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 29/06/2016
Để tìm hiểu về vấn đề này, PV Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Hoàng Văn Thức - Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội.
- Công tác chuẩn bị cho TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đang ở giai đoạn nước rút. TP Hà Nội đã có sự chuẩn bị thế nào, thưa ông?
- Thực hiện Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, ngày 5-5-2016, Ban Chỉ đạo (BCĐ) TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của thành phố đã kiện toàn nhân sự với 11 thành viên do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu làm Trưởng ban và thành lập Tổ thường trực giúp việc BCĐ gồm 16 thành viên. Sau khi được thành lập, BCĐ TĐT thành phố đã hướng dẫn thành lập 18 BCĐ và tổ thường trực cấp huyện, 409 BCĐ TĐT cấp xã, còn lại 6 quận và 64 phường, thị trấn do chủ tịch UBND các quận, phường, thị trấn này trực tiếp chỉ đạo TĐT. Trong đợt TĐT lần này thành phố có 6.189 địa bàn điều tra, với trên 1 triệu hộ điều tra toàn bộ, 2.007 hộ điều tra mẫu, 2.547 trang trại, 386 xã, 3.098 người sống trong khu nhà ở cho công nhân. Đến nay, các khâu chuẩn bị cho TĐT đã được BCĐ các cấp thực hiện và hoàn thiện. Toàn thành phố đã hoàn thành công tác lập bảng kê theo hướng dẫn của BCĐ TĐT trung ương. Công tác tập huấn nghiệp vụ cho BCĐ TĐT cấp xã, điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên đã được tổ chức xong để ngày 1-7-2016, toàn thành phố đồng loạt ra quân thực hiện điều tra theo đúng phương án và kế hoạch đề ra.
Nông dân xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn |
- Theo ông, TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 Hà Nội còn gặp những khó khăn, trở ngại gì?
- Có thể khẳng định cuộc TĐT năm nay nhận được sự quan tâm lớn của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương nên có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn những khó khăn sau: Thứ nhất, do việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo ở địa phương sau ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nên một số nơi thay đổi trưởng BCĐ TĐT nên ảnh hưởng đến tính liên tục trong công tác chỉ đạo. Thứ hai, do số lượng đơn vị hành chính của thành phố được điều tra lớn với 24 quận, huyện, thị xã, bao gồm 473 xã, phường, thị trấn; số hộ điều tra toàn bộ lớn nhất cả nước với quy mô trên 1 triệu hộ trong khi số điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên các cấp phải trưng tập trên 8.000 người, nhưng trình độ không đồng đều. Hơn nữa, việc trưng tập điều tra viên và tổ trưởng ở các quận và một số huyện ven đô rất khó, bởi định mức ngày công thấp hơn nhiều so với một số công việc giản đơn tại địa phương. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như chất lượng của cuộc TĐT. Thứ ba, ý thức chấp hành Luật Thống kê của một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm nên việc tiếp cận đối tượng điều tra khó khăn. Mặt khác, thời gian chuẩn bị và triển khai TĐT trùng với thời điểm ngành Thống kê đang thực hiện một số cuộc điều tra lớn như: Điều tra doanh nghiệp dịp 1-3-2016, điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình dịp 1-4-2016, điều tra thu thập thông tin tính tổng sản phẩm trong nước theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng năm 2016… Vì vậy, lực lượng giám sát viên không thể phủ khắp các địa bàn điều tra.
- Để thực hiện thành công cuộc TĐT này, trong quá trình triển khai cần lưu ý những điểm gì?
- Rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các cuộc TĐT trước đây và thực tiễn cuộc sống hiện nay, tôi cho rằng cần tập trung vào một số vấn đề sau: Thứ nhất, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm huy động các nguồn lực và tăng cường trách nhiệm cộng đồng đối với cuộc TĐT. Đặc biệt là với các địa phương có thay đổi về nhân sự, cần chủ động kiện toàn BCĐ để bảo đảm tính liên tục trong chỉ đạo, điều hành. Thứ hai, các địa phương cần tổ chức tốt tuyên truyền dưới nhiều hình thức để mọi đối tượng điều tra nắm rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với cuộc TĐT. Thứ ba, BCĐ TĐT các cấp cần thực hiện nghiêm túc quy trình tập huấn nghiệp vụ, bảo đảm đúng thời gian, chất lượng, tăng cường kỹ năng thực hành cho điều tra viên, tổ trưởng. Đặc biệt nâng cao chất lượng các lớp tập huấn thuộc BCĐ TĐT cấp huyện tổ chức cho BCĐ TĐT cấp xã, điều tra viên và tổ trưởng điều tra. Thứ tư là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong khâu thu thập thông tin tại địa bàn. Trong những ngày đầu tiên, BCĐ TĐT các cấp phải bố trí giám sát viên đến các địa bàn điều tra để quan sát, góp ý và khắc phục các sai sót, nhất là sai sót có tính hệ thống của điều tra viên. Thứ năm, các địa phương cần tổ chức nghiệm thu và bàn giao tài liệu chặt chẽ, đúng quy trình, tránh tình trạng làm ẩu chạy theo thời gian và số lượng, đồng thời, thực hiện chi tiêu đúng chế độ, đúng hướng dẫn của BCĐ TĐT trung ương. Dưới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành Thống kê cùng sự ủng hộ của người dân Thủ đô, tôi tin tưởng rằng Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi cuộc TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.
- Trân trọng cảm ơn ông!