Thêm "bệnh" vì phí giữ xe

Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 29/06/2016

(HNM) - Phí trông giữ xe tại các bệnh viện thuộc nhóm có mức thấp nhất ở thành phố. Thế nhưng, trên thực tế, phí trông giữ xe tại các bệnh viện luôn cao gấp đôi, gấp ba quy định, khiến người dân thêm


“Chém đẹp” tiền giữ xe

Xuất phát từ thực tế nhiều điểm trông giữ xe thuộc cơ quan nhà nước, khu vực công cộng thu tiền với mức phí quá cao, từ tháng 8-2012 UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy định mức phí thu tiền giữ xe theo nhóm, khu vực. Trong đó, mức phí trông giữ xe tại bệnh viện và trường học trên địa bàn thuộc nhóm thấp nhất. Cụ thể, xe số dưới 175cm3 có giá 2.000 đồng/lượt và 5.000 đồng/ngày đêm, xe tay ga và xe số từ 175cm3 trở lên giá 3.000 đồng/lượt và 7.000 đồng/ngày đêm. Nhưng hiện nay, hầu hết các điểm trông giữ xe tại bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều tự định giá cao hơn quy định 2-3 lần. Tại Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh, điểm gửi xe tay ga thu giá 5.000 đồng, vượt 2.000 đồng so với quy định. Tình trạng tương tự xảy ra tại các bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Quận 1, Đa khoa Sài Gòn. Nếu gửi xe qua đêm, bệnh nhân, người nhà phải chịu mức 10.000 - 15.000 đồng/ngày và đêm, cao gấp 2 lần so với quy định của UBND TP Hồ Chí Minh.

Công trình Bệnh viện Ung bướu sẽ có hầm chứa được 2.500 xe máy.



Mức phí gửi xe cao nhưng không phải ai cũng gửi được xe bởi hầu hết bãi giữ xe bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Điển hình là Bệnh viện Tai - Mũi - Họng tại Quận 3. Cơ sở vật chất chật hẹp, hầm giữ xe chỉ có sức chứa khoảng 200-300 xe, trong khi lượng bệnh nhân đến khám tại đây rất đông và phải gửi xe ở ngoài với mức giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/lượt. Tình trạng tương tự xảy ra tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và các cơ sở khác, khiến nhiều người bệnh bức xúc. Chị Nguyễn Thị Tú Lan, ngụ tại phường 25, quận Bình Thạnh cho biết: “Đến Bệnh viện Ung bướu khám bệnh từ 7h nhưng bãi giữ xe bệnh viện đã hết chỗ, nên đành phải gửi xe cơ sở tư nhân với 10.000 đồng/lượt, qua đêm thì phải chịu giá 20.000 đồng/ngày đêm. Đây là mức giá quá cao mà người bệnh phải cắn răng chịu đựng”.

Trông chờ bệnh viện mới

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, 90% bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố được xây dựng từ trước năm 1975, điển hình như Bệnh viện Chợ Rẫy, Chấn thương - Chỉnh hình, Nguyễn Tri Phương, Bình Dân, Nhi đồng 2... Gần như suốt hơn 40 năm qua, những bệnh viện này không mở rộng diện tích, trong khi lượng bệnh nhân đổ về tăng theo cấp số nhân hằng năm. Điển hình như Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy, cao điểm có 5.000-6.000 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh, trong khi bãi giữ xe bị thu hẹp do sử dụng xây dựng công trình. Sức chứa thực tại ở các bệnh viện trên chỉ đáp ứng tối đa khoảng 500-1.000 xe máy...

Như vậy, người dân chỉ có thể trông chờ vào các bệnh viện mới, đang trong quá trình xây dựng, ngoài việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thì những cơ sở này được hy vọng sẽ bảo đảm dịch vụ trông giữ xe. Theo cơ quan chức năng, các bệnh viện được xây mới sẽ có quy định rõ về xây dựng tầng hầm giữ xe, số lượng xe, tránh quá tải. Điển hình như công trình của cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu vừa được khởi công xây dựng tầng hầm 2 có diện tích 6.335m2, cao 4,5m, bố trí bãi đỗ đáp ứng 2.500 xe máy. Với lượng bệnh nhân đến khám/điều trị dự kiến từ 3.000 đến 6.000 bệnh/ngày, bãi giữ xe máy với diện tích trên là tương đối hợp lý. Hoặc các dự án bệnh viện mới, đang trong giai đoạn đầu tư và xây dựng, cũng sẽ có bãi giữ xe theo quy mô giường bệnh như: Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh (Bình Chánh), Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (tại xã Tân Kiên - xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh), Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2 tại Quận 9)...

Tuệ Diễm