Cận cảnh kênh đào thu lợi 2,1 tỷ đô la mỗi năm

Thế giới - Ngày đăng : 18:28, 28/06/2016

(HNMO)- Panama đã phải mất 9 năm xây dựng cùng 40.000 nhân công với tổng chi phí hết 5,25 tỷ USD. Giới chức Panama kỳ vọng kênh đào này sẽ thu lời 2,1 tỷ USD/năm.

Dự án mở rộng, nâng cấp kênh đào Panama chính thức khởi công từ năm 2007, theo đó một âu thuyền thứ 3 được xây dựng giúp tăng gấp đôi công suất khai thác của kênh. Dự kiến, tới năm 2021, ước tính kênh đào này sẽ giúp Panama thu về 2,1 tỷ USD từ phí vận chuyển qua con kênh này.

Kênh đào Panama là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới giúp rút ngắn hành trình giao thông đường biển giữa hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Công trình nâng cấp kênh Panama đã phải mất 9 năm cùng 40.000 nhân công và một lực lượng vật tư khổng lồ gồm: 150 triệu mét khối đất đá, 12 triệu tấn xi măng, 192.000 tấn sắt thép.

Sau khi nâng cấp, chiều rộng của cửa kênh đã được tăng từ 34 lên 55m, chiều sâu từ 12m tăng lên đến 18m.

Dự án nâng cấp kênh đào Panama với tổng kinh phí 5,25 tỉ đô la.

Một tàu chở hàng cỡ lớn của Trung Quốc đã trở thành con tàu đầu tiên bắt đầu hành trình dài 80km đi qua kênh đào Panama mở rộng vào ngày 26/6.

Một chuyến đi thông thường của tàu hàng qua kênh đào mất khoảng 9 giờ. Hơn 1.000 lượt tàu hàng đi qua đây mỗi tháng, với tổng lượng hàng hóa 203 triệu tấn/năm.

Kênh đào này gồm có 17 hồ nhân tạo, một vài kênh nhân tạo và đã cải tiến, cùng 3 âu thuyền. Một hồ nhân tạo bổ sung, hồ Alajuela, có vai trò làm hồ chứa nước cho kênh đào.

Thực hiện công trình nâng cấp này, 5 triệu mét khối bê tông có độ bền cao đã được sử dụng, lượng bê tông đủ để xây dựng một đường cao tốc từ New York đến St Louis, Mỹ.

Theo giới chức quản lý kênh đào Panama, tới năm 2021, ước tính kênh đào này sẽ giúp Panama thu về 2,1 tỷ USD từ phí vận chuyển qua con kênh này.

Đến nay đã có 170 tàu chở hàng đăng ký sử dụng dịch vụ trong 3 tháng tới.

Tuấn Kiệt