Cộng đồng người có HIV: Bơ vơ tìm "phao cứu sinh" bảo hiểm y tế
Xã hội - Ngày đăng : 10:55, 28/06/2016
Điều này khiến cho những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS hết sức lo ngại về giải pháp nào đảm bảo cho nguồn lực phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam? Đây dường như đang là một câu hỏi lớn, được sự quan tâm của nhiều đối tượng, nhất là những người có HIV – những người đang được thụ hưởng nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Đó là đánh giá được ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh tại Hội thảo Đối thoại chính sách về Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động phòng chống HIV/AIDS do Ban quản lý dự án VUSTA phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 27/6, tại Hà Nội.
Nhân viên y tế Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đắk Lắk tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+) |
Hết thời kỳ “vàng”… viện trợ
Những năm qua, Việt Nam đã từng bước đẩy lùi được nhiều tiêu chí giảm về số người mắc mới và tử vong cho HIV/AIDS. Kết quả đó có được một phần là do Việt Nam nhận được nguồn viện trợ trong công tác phòng chống HIV/AIDS bền vững từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Hiện nay, số người tích lũy có HIV tiếp tục tăng. Trên toàn quốc có hơn 227.000 người có HIV cần được chăm sóc và điều trị thường xuyên, liên tục suốt đời.
Thuốc kháng virus (ARV) là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khoẻ của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch. Lợi ich của thuốc ARV là rất lớn do vậy Việt Nam đã và đang mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến tháng cuối tháng 4 năm 2016 đã có khoảng 110.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Phần lớn nguồn thuốc ARV chiếm đến khoảng 95% là miễn phí do được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế và các tổ chức quốc tế đang thực hiện lộ trình cắt giảm và sẽ tiến tới kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017.
Vậy đâu là giải pháp cho việc đảm bảo nguồn thuốc ARV trong thời gian tới? Khi các nhà tài trợ đã thông báo lộ trình cắt giảm nhanh chóng với hỗ trợ thuốc ARV. Chẳng hạn như Pepfar (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ) năm 2016 giảm 10%, năm 2017 giảm 40% tiến đến dừng hoàn toàn vào năm 2019. Quỹ toàn cầu không có kế hoạch hỗ trợ cho Việt Nam sau năm 2017.
Ông Cảnh cho hay, năm 2015, Chính phủ đã bổ sung 60 tỷ cho mua thuốc ARV, nâng tỷ trọng kinh phí từ 5% lên 15%, nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn trước bối cảnh tài trợ rút đi. Trong thời gian tới, khi không còn viện trợ thì bảo hiểm y tế đang được xác định là giải pháp chủ yếu đảm bảo sự bền vững cho người nhiễm HIV được điều trị.
Bộ Y tế đã xác định giải pháp trước mắt trình Chính phủ bổ sung kinh phí bù đắp sự thiếu hụt nguồn kinh phí cho mua thuốc ARV khi các tổ chức quốc tế rút dần tài trợ. Tuy nhiên giải pháp lâu dài và bền vững điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bao gồm cả ARV thông qua bảo hiểm y tế.
Nhiều rào cản cho người nhiễm HIV
Ông Lê Văn Phúc – Phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay: “Điều chúng tôi băn khoăn hiện nay là số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế ở mức thấp. Theo khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 30-50 bệnh nhân mắc HIV có thẻ. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên toàn quốc là 77% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.”
Vị đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phân tích, trong thời gian tới, nguồn viện trợ thuốc ARV phục vụ điều trị HIV dang ngày một cắt giảm. Trong lộ trình cắt giảm thuốc ARV đến năm 2017 còn rất ít và đến năm 2018 thì sẽ gần như không còn tổ chức nào cam kết tài trợ miễn phí.
Đầu năm 2017, thuốc ARV sẽ được chuyển sang phương thức chi trả bằng bảo hiểm y tế. Như vậy, việc tham gia bảo hiểm y tế là phương án giúp duy trì điều trị liên tục đối với người có HIV và là phương án khám, chữa bệnh hiệu quả, tiết kiệm cho những bệnh nhân nhiễm mới trong tương lai.
Đến nay, trên toàn quốc có gần 400 điểm điều trị bằng thuốc ARV cho người có HIV/AIDS. Đáng lưu ý, phần lớn các điểm điều trị trên nằm trong các bệnh viện, cơ sở bệnh viện, do vậy việc thanh toán cho người bệnh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có 115 điểm cung ứng thuốc nằm ở các cơ sở điều trị y tế dự phòng thời gian tới cần kiện toàn phòng khám điều trị HIV nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề như cơ quan quản lý hoàn thiện việc mua thuốc, cung ứng thuốc, thanh toán thuốc cho người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh ra sao, những nguyên nhân nào khiến người có HIV vẫn chưa thực sự “mặn mà” tham gia bảo hiểm y tế...
“Việt Nam đang hướng tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, chủ trương của nhà nước trong bối cảnh viện phí tăng tính đúng, tính đủ. Bảo hiểm là một cứu cánh. Mỗi bệnh nhân khi vào viện, nếu tính đủ chi phí lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Nếu không có nguồn hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế, ngay lập tức trở thành hộ nghèo. Và với những bệnh nhân có HIV thì lại càng cần thiết hơn,” vị Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS chỉ rõ.
Chia sẻ về vấn đề mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng có HIV, bà Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS thẳng thắn chỉ ra, đa số người nhiễm HIV là người nghèo, có nhiều gia đình, vợ chồng và các con của họ đều bị nhiễm HIV. Do sức khỏe yếu nên thường xuyên phải điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội rất cần bảo hiểm y tế nhưng họ lại không đủ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho bản thân và gia đình.
Theo bà Trâm, dù Luật Bảo hiểm y tế đã có quy định hộ cận nghèo được miễn 50% tiền mua bảo hiểm y tế, hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí. Nhưng theo quy định việc xác định hộ nghèo đa chiều như hiện nay, được công nhận hộ gia đình nghèo để được cấp thẻ bảo hiểm y tế là hết sức khó khăn. Chưa kể đến những khó khăn về thủ tục trong quá trình cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với những người có HIV.
Thực tế cho thấy, cộng đồng người có HIV dễ bị tổn thương vẫn còn nhiều rào cản trong tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế chưa được biết tới cần được sự sẻ chia của các cơ quan chức năng và cộng đồng để họ có được cuộc sống trọn vẹn hơn./.