"Cơ chế để thành phố phát triển phải mở ra chứ không phải khóa lại"

Chính trị - Ngày đăng : 16:20, 27/06/2016

(HNMO) - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh chiều nay (27-6).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP Hồ Chí Minh chiều nay (27-6)


Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam; cùng các Bộ trưởng của các bộ, ngành liên quan. Về phía TP Hồ Chí Minh, dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,47%. Trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sác nhà nước năm 2016; quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2016 như: tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng 8%, tỷ trọng đóng góp các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 35% trở lên, thu ngân sách đạt dự toán 298.300 tỷ đồng; phấn đấu trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index)...

Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp, trong đó tập trung triển khai thực hiện một cách thực chất Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; đặc biệt là 7 chương trình đột phá ngay từ năm đầu tiên.

Qua đó, UBND thành phố kiến nghị phân cấp mạnh cho thành phố thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành - lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù hoặc để cụ thế hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế của địa phương. Thành phố cũng kiến nghị một số cơ chế tài chính đặc thù như kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giữ nguyên tỷ lệ phần trăm để lại cho ngân sách thành phố như hiện nay (23%), kể từ năm ngân sách 2017 và ổn định trong 10 năm, tạo điều kiện để thành phố chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính trung và dài hạn.

TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cho phép thành phố được tính ngoài giới hạn vay nợ đối với các khoản vay để đầu tư vào dự án có khả năng hoàn vốn, các khoản vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công. Về sử dụng Quỹ dự trữ tài chính, kiến nghị cho Tp được thực hiện trích quỹ dự trữ tài chính phù hợp với nhu cầu dự trự tài chính và khả năng cân đối ngân sách thực tế của thành phố, được tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính để cho chi các dự án hạ tầng quan trọng mà ngân sách chưa bố trí được vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn, thời hạn hoàn trả từ 3 - 5 năm.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, chiếm 22% GDP, 30% ngân sách cùng những đóng góp quan trọng khác. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi lần Chính phủ và các bộ, ngành vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh là mở ra cơ chế để thành phố phát triển chứ không phải khóa lại.

Nguyễn Lê