Thủ tướng dự lễ khởi công dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 13:27, 26/06/2016

(HNMO) - Ngày 26-6, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án: Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Tham dự lễ khởi công còn có: nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; cùng lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát lệnh khởi công dự án.


Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), với tiến độ thực hiện dự kiến 36 tháng (từ năm 2016 – 2018).

Mục tiêu là thực hiện một phần cấp bách trong Quyết định số 1547/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh; nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước (bơm nước thoát ra từ các hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch) của các dự án thoát nước đô thị (752) và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường.

Vùng dự án được giới hạn bởi phía Bắc giáp với rạch Tra; phía Nam giáp với tỉnh Long An; phía Tây giáp với kênh An Hạ; phía Đông giáp với sông Sài Gòn và huyện Nhà Bè; thuộc địa bàn 19 quận, huyện TP Hồ Chí Minh gồm: quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn.

Dự án sẽ thực hiện xây dựng 6 cống kiểm soát triều gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định, quy mô bề rộng cống từ 40 – 160m; xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m3/s; 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 24m3/s; 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 18m3/s.

Sau khi dự án đi vào hoạt động, tàu thuyền vẫn đảm bảo qua lại bình thường thông qua khoang cửa van và âu thuyền của các cống; xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh khoảng 7,8 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, các cống nhỏ có khẩu độ từ 1m - 10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống Scada.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, dự án triển khai trong vòng 36 tháng, tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công trong vòng 24 tháng. Thời gian còn lại dành cho việc dự phòng, các công tác hồ sơ và vận hành thử. “Dự án hoàn thành, tôi cam kết sẽ giải quyết triệt để việc ngập úng do triều có xét đến biến đổi khí hậu tại khu vực dự án, nhưng việc còn ngập trong đô thị hay không thì cần có sự đồng bộ của chương trình 752 (QH752), tức là hệ thống thoát nước đô thị phải truyền tải nước thoát về kênh rạch, để các hệ thống bơm chuyển nước từ các kênh rạch ra ngoài sông lớn. Nếu hệ thống bơm và các cống ngăn triều hoạt động ngăn được triều, nhưng khi mưa lớn nước trong các kênh rạch có về hay không để hệ thống bơm hoạt động lại là câu chuyện khác và trách nhiệm về mặt năng lực vận hành không thuộc dự án này”, ông Tiến cho hay.

Dự án sẽ phải giải tỏa hơn 300 hộ dân, hơn 1.500 người dân phải di dời, với một khối lượng công việc rất lớn và thời gian thi công ngắn, nhà đầu tư hy vọng sẽ được sự hỗ trợ của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, ngân hàng BIDV, các chuyên gia tư vấn đầu ngành và sự giúp đỡ của người dân… để dự án có thể triển khai một cách thuận lợi nhất.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự án có ý nghĩa lớn và có tác động đến đời sống dân cư cũng như đối với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Theo Thủ tướng, đây là dự án sẽ tác động trực tiếp đến khoảng 6,5 triệu dân và 19/24 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; đồng thời, Thủ tướng cũng hoan nghênh nhà đầu tư và ngân hàng BIDV đã có các hình thức hợp tác phù hợp để có được nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng dự án trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.

Thủ tướng cho rằng, với yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải là thành phố thông minh, là hòn ngọc Viễn Đông, cạnh tranh với các thành phố khác của châu Á, vì vậy, việc chống ngập rất quan trọng, góp phần cho sự phát triển chung của TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng đề nghị, đây là dự án có liên quan đến biến đổi khí hậu nên cần phải liên tục cập nhật các kiến thức thực tế, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh; Đồng thời, mời các chuyên gia, nhà khoa học… để dự án được triển khai một cách hiệu quả nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh cần phải có phương án để chống ùn tắc bởi dự án ảnh hưởng đến nhiều quận, huyện của thành phố; đồng thời, làm tốt công tác tái định cư, sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng; đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình; đảm bảo an toàn khi thi công, chống tham nhũng trong khi thi công dự án….

“Cần đảm bảo chất lượng dự án, đừng để làm trước hỏng sau mà nhân dân lên án. Dự án có quy mô lớn, thi công trong điều kiện khó khăn, phức tạp trên sông nước, với hàng nghìn công nhân lao động ngày đêm thi công trên công trường, do đó, cần đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối cho người lao động. Chính quyền TP Hồ Chí Minh cần có phương án hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng của dự án, để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cần có phương án giải phóng mặt bằng đúng tiến độ để dự án thực hiện theo đúng cam kết đề ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Hà Phạm