Làm gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường?
Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 26/06/2016
Em Vũ Minh Quân (Lớp 7A, Trường THCS Mai Dịch):
- Em đã xem clip học sinh (HS) nữ đánh nhau, cảm giác khá choáng váng. Một bộ phận bạn gái cùng trang lứa với em bây giờ dữ dằn thật, họ lao vào nhau rồi đấm đá, giật tóc, cào vào mặt nhau, thậm chí xé quần, xé áo... Em nghĩ, khi có mâu thuẫn, xích mích thì các bạn không nên giơ nắm đấm ra với nhau như vậy, đặc biệt các bạn nữ, bởi đó là hành vi thể hiện sự thiếu giáo dục, không đúng đắn. Em đoán những bạn nữ này đều là HS cá biệt và học rất kém. Em không bao giờ chơi với các bạn nữ đanh đá, hay đánh người như vậy.
Em Nguyễn Thị Xuân (Lớp 7A, Trường THCS Định Công):
- Em không muốn xem clip HS đánh nhau vì hành vi đánh bạn không thể chấp nhận được, bất kể con trai hay con gái. Nhiều bạn nữ đánh nhau vì những lý do vớ vẩn như "nhìn đểu" nhau, ghen tỵ với nhau, bực tức vì không được bạn cho chép bài, ghen tuông… Dù vì bất cứ nguyên nhân nào thì theo em, với hành vi đó, nhà trường, thầy cô cần phải xử phạt thật nặng. Là con gái, em cảm thấy xấu hổ với hành vi của các bạn ấy, không hiểu các bạn ấy có bao giờ tự nhìn lại mình và thấy ân hận không?
Cô Nguyễn Thùy Linh (Đê La Thành, Hà Nội):
- Đọc tin tức về việc HS nữ đánh nhau, tôi cảm thấy lo lắng. Trẻ em đến trường là để học tập, trau dồi kiến thức, giao lưu, kết bạn, hưởng môi trường sư phạm thân thiện, nhân văn chứ không phải để đánh nhau. Nếu con tôi bị bạn bè đánh hay con đánh lại các bạn, tôi sẽ cảm thấy rất buồn và xấu hổ. Đối với các nữ sinh, việc bị bạn đánh sẽ để lại cú sốc lớn trong tâm hồn. Nhiều em sau khi bị đánh đã trở nên nhút nhát, tự kỷ, thậm chí không dám đi học nữa. Còn với các bạn nữ có hành vi côn đồ ấy, khi lớn lên liệu các em có thể trở thành người tốt? Cần phải hạn chế điều này, cách tốt nhất là phụ huynh nên dành thời gian tâm sự với các con, dạy cho các con biết hành vi bạo lực là rất xấu và tìm cách giúp con giải tỏa mâu thuẫn với bạn bè...