Gỡ khó cho xuất bản: Không dễ một sớm, một chiều

Sách - Ngày đăng : 06:57, 26/06/2016

(HNM) - Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy, hiện vẫn còn 27 nhà xuất bản (NXB) chưa thực hiện được việc cấp đổi giấy phép thành lập, trong đó có 19 NXB chưa đủ nguồn kinh phí để bảo đảm hoạt động theo quy định.

Nhận diện khó khăn

Theo ông Hoàng Hải Long, Chánh Văn phòng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), mới đây lãnh đạo Cục đã tham mưu cho Bộ báo cáo Chính phủ về khó khăn, đề xuất giải pháp phát triển hoạt động xuất bản. Vướng mắc đầu tiên được nêu ra liên quan tới loại hình hoạt động của NXB. Cụ thể, theo luật hiện hành, NXB được tổ chức hoạt động theo hai loại hình: Đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, do có sự thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật liên quan nên không thể áp dụng cơ chế, chính sách đồng bộ cho từng loại hình, đặc biệt đối với doanh nghiệp NXB. Thứ hai, phần lớn các NXB bị hạn chế về năng lực hoạt động do thiếu kinh phí, không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, hạn chế về nhân lực…

Ngành Xuất bản đang cần nhiều giải pháp gỡ khó để phát triển.


Trong khi đó, một số cơ quan chủ quản buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát và chưa bảo đảm các điều kiện về trụ sở, nguồn tài chính, nhân lực cho NXB trực thuộc. Hệ quả là nhiều đơn vị buộc phải phụ thuộc vào đối tác liên kết, buông lỏng quy trình biên tập và xuất bản, dẫn đến sai phạm.

Khó khăn không chỉ có thế. Theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để NXB duy trì hoạt động là phải có khoản kinh phí ít nhất 5 tỷ đồng/năm. Điều đáng nói là chưa có cách hiểu thống nhất để xác định nguồn vốn nói trên được huy động từ đâu, cấp như thế nào. Trong bối cảnh đó, có cơ quan chủ quản vận dụng được cơ chế để cấp kinh phí cho NXB, nhưng cũng có nơi không làm được. Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy, đến nay vẫn còn 27 NXB chưa thực hiện được việc cấp đổi giấy phép thành lập NXB, trong đó, có 19 đơn vị chưa có đủ nguồn kinh phí nói trên.

Thêm nữa, dù Nhà nước đã ban hành chính sách đầu tư cho hoạt động xuất bản, nhưng nhìn chung, nguồn kinh phí còn ít và phân tán. Chẳng hạn, tổng kinh phí đặt hàng xuất bản phẩm hằng năm chỉ vào khoảng 15 tỷ đồng, chia bình quân cho các NXB thì không được là bao. Tại một số tỉnh, thành phố, việc áp dụng khung giá thuê đất, thuê nhà như đối với doanh nghiệp thông thường, tức ở mức cao, đã dẫn đến tình trạng có NXB nợ tiền thuê nhà đất trong một thời gian dài, không có kinh phí để trả lương cho cán bộ, nhân viên.

Thoát cảnh lệ thuộc

Khó khăn của ngành Xuất bản không dễ có thể giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều, nhưng nếu cơ quan quản lý có giải pháp phù hợp nhằm tăng cường tiềm lực của các NXB thì hoạt động chuyên môn có thể đi vào ổn định, hạn chế sai sót. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa nói: “Ngành Xuất bản còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình đang dần được tháo gỡ bằng nhiều giải pháp”.

Theo lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, để hạn chế sai sót trong hoạt động xuất bản, rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan trong triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách để các NXB có đủ tiềm lực, không lệ thuộc vào đối tác liên kết. Để các NXB vượt qua khó khăn, cần điều chỉnh khung giá thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đối với các NXB và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Những đơn vị chuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, tư tưởng cần thống nhất hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập. Với các NXB còn lại thì căn cứ vào điều kiện hoạt động của từng nơi, cơ quan chủ quản có thể chủ động quyết định loại hình hoạt động phù hợp.

Về khoản kinh phí cần có để duy trì hoạt động của NXB, có thể áp dụng phương án sử dụng nguồn ngân sách hằng năm của cơ quan chủ quản, hoặc xác định rõ nguồn kinh phí nói trên bao gồm kinh phí đặt hàng xuất bản phẩm, giá trị hàng tồn kho, kinh phí thực hiện các dự án, đề án xuất bản sách, vốn đầu tư của cơ quan chủ quản cho NXB để xuất bản sách…

Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chức danh, mã ngạch lương cho đội ngũ biên tập viên NXB thay vì áp dụng quy định chung với biên tập viên báo chí như hiện nay. Một khi được bảo đảm quyền lợi, các biên tập viên sẽ yên tâm tập trung cho công tác chuyên môn, giảm sai sót trong quá trình biên tập.

Hiện cả nước có 60 NXB, trong đó có 49 NXB thuộc các cơ quan trung ương và 11 NXB địa phương. Trung bình mỗi năm, toàn ngành xuất bản được khoảng 28.000 đầu sách với 300 triệu bản. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 15-20% về số bản in, 8-10% về số đầu sách, 10-15% về số trang in.

Mai Hoa