Chiến lược hướng Đông và câu chuyện có đi, có lại
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:14, 26/06/2016
Chuyến công du thứ năm tới Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Nga kể từ khi tái cử Tổng thống năm 2013 diễn ra đúng vào dịp Trung Quốc và Nga chuẩn bị kỷ niệm 15 năm ký Điều ước hợp tác hữu nghị láng giềng và 20 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược.
Tổng thống Nga V.Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Chương trình nghị sự tại Bắc Kinh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống V.Putin tập trung vào quan hệ song phương và các "điểm nóng" quốc tế như cuộc khủng hoảng Syria, tình hình Afghanistan và bán đảo Triều Tiên, các thỏa thuận vừa đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Uzbekistan trong 2 ngày 23 và 24-6.
Trong bối cảnh nước Nga đang chịu áp lực lớn từ lệnh trừng phạt của phương Tây, vấn đề kinh tế được nhà lãnh đạo Nga đặt lên hàng đầu trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đó là những nỗ lực để tích hợp sáng kiến Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa do Trung Quốc phác thảo với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) do Nga khởi xướng và việc Nga xuất khẩu năng lượng tới Trung Quốc cũng như Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng tại Nga. Hiện nay, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Mátxcơva, trong khi Nga là thị trường cung cấp năng lượng, sản phẩm kỹ thuật cao quan trọng nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, do tác động của tình hình kinh tế thế giới, dầu lửa và nhiều mặt hàng chủ lực giảm giá mạnh đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại giữa hai nước. Năm 2015, kim ngạch thương mại Trung - Nga chỉ đạt 68 tỷ USD, giảm 28,6% so với năm trước.
Quan hệ Nga - Trung Quốc nổi lên khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Mátxcơva do cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi các nước lên án Nga sáp nhập Crimea. Trong 2 năm qua, Nga và Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận, chủ yếu về dầu mỏ và khí đốt. Xứ Bạch dương muốn tăng cường quan hệ thương mại với Châu Á - Thái Bình Dương để bù đắp tổn thất đầu tư nước ngoài do lệnh trừng phạt của Châu Âu và Mỹ áp đặt sau sự kiện Crimea.
Theo chuyên gia cấp cao về các vấn đề Á - Âu của Stratfor (Mỹ) Lauren Goodrich, chính sách hướng sang Trung Quốc của Nga là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Châu Âu. Tăng đầu tư từ Trung Quốc vào Nga là ưu tiên của Tổng thống V.Putin vì Mátxcơva đang cố gắng giảm thiểu thiệt hại kinh tế của đất nước trong cấm vận. Nga hy vọng Trung Quốc mạnh lên khi hội nhập EEU (hiện có 5 quốc gia từng là thành viên Liên Xô cũ gồm Nga, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Belarus) bởi có thể sử dụng liên minh để tăng hoạt động xuất khẩu than đá, thép và xe hơi... Nhưng các nhà quan sát cũng cho rằng Nga sẽ vấp phải sự cạnh tranh tại châu lục do chính sách xoay trục sang Châu Á - một chiến lược đã được Mỹ thực hiện. Hơn nữa, chiến lược "hướng Đông" của Nga diễn ra trong thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, xuất khẩu của Bắc Kinh đang gặp khó khăn. Thế nên, việc Tổng thống V.Putin thuyết phục được Trung Quốc gia nhập EEU là một thành tựu mang tính chính trị hơn là kinh tế.
Mặt khác, trong khi những lợi ích kinh tế nếu Trung Quốc gia nhập EEU vẫn chưa rõ ràng thì Bắc Kinh có thể tìm kiếm cách tiếp cận "có đi có lại" với Nga vì những khó khăn ngoại giao mà cường quốc này đang đối mặt trong thời gian gần đây. Nổi bật là tìm kiếm "đồng minh" trong vấn đề Biển Đông của cường quốc Châu Á này.
Trong cơn "địa chấn" trước sự kiện Brexit của Anh, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống V.Putin trở thành cơ hội không thể tốt hơn để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung. Qua cuộc gặp thượng đỉnh, hai nước muốn thể hiện lòng tin chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Trung - Nga.