Thiếu cơ chế kiểm soát, cán bộ kê khai tài sản vẫn chỉ để... cho đẹp

Chính trị - Ngày đăng : 10:11, 25/06/2016

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII, chúng ta có kê khai nhưng lại thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả.

Không phải ngẫu nhiên, phòng, chống tham nhũng vẫn là chủ đề nhận được sự quan tâm sâu sắc của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và cử tri, cơ chế phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay được ví như con hổ không răng. Đặc biệt, giải pháp được xác định là mấu chốt trong phòng, chống tham nhũng là kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì gần như không phát huy tác dụng.

Chúng ta có kê khai nhưng lại thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả (Ảnh minh họa)


Luật phòng, chống tham nhũng quy định rõ diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập. Bên cạnh đó, luật còn xác định thêm nghĩa vụ của những người này phải kê khai tài sản và mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy vấn đề cần phải được nghiêm túc nhìn nhận lại, đó là những đối tượng kê khai đó đã đủ chưa? Có hợp lý và cần thiết không, liệu số lượng kê khai, cách thức tiến hành, biện pháp xác minh, nghĩa vụ giải trình và công khai bản kê khai như hiện nay có kiểm soát được tính trung thực?

Thực tế đã trả lời, kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức qua biện pháp kê khai tài sản như hiện nay chưa phát huy ý nghĩa trong phòng, chống tham nhũng

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII thẳng thắn đặt vấn đề, chúng ta có kê khai nhưng lại thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả. Chúng ta đang hoạch định chính sách trong một nền công vụ chỉ trông chờ vào sự tự giác của cán bộ, công chức mà quên rằng, nói đến công vụ là nói đến kiểm soát có tính cưỡng chế của nhà nước.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, để phát hiện và phòng ngừa tham nhũng, trước hết phải phòng ngừa tham nhũng chính sách. Ngay trong các đạo luật, các biện pháp, giải pháp phải hạn chế thấp nhất kẽ hở và khả năng tạo ra cơ chế xin cho. Bên cạnh đó, cần đánh giá và xem xét lại biện pháp kiểm soát thu nhập tài sản hiện nay.

Muốn kiểm soát được tài sản, ông cho rằng cần đưa vào thiết chế tất cả những giao dịch của mọi chủ thể trong xã hội có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, nếu không qua ngân hàng thì được coi là bất hợp pháp.

“Người ta kiểm soát qua ngân hàng, kiểm soát qua cơ quan thuế và thông qua các công cụ quản lý, còn đây chúng ta kiểm soát bằng kê khai, minh bạch, tự giác. Đó là chưa kể chúng ta quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về nhà nước, trong khi họ đã tuồn tài sản cho anh A, anh B, anh C, em A, em B, kể cả ra nước ngoài”, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết.

Công khai thông tin tài sản của người có chức vụ quyền hạn cũng là vấn đề cần bàn lại. Quy định như hiện nay có thực sự tạo điều kiện cho giám sát, để từ đó phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ về tham nhũng hay không. Yêu cầu niêm yết tại trụ sở, nơi cư trú hay tổ chức họp để công bố… đều chưa có tính khả thi. Đó là chưa kể với cách thức đó có thể dẫn đến nguy cơ sử dụng thông tin về tài sản để làm hại đến uy tín, danh dự của người có tài sản.

Ông Trần Văn Độ, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang khóa XIII cho rằng, cơ quan phòng, chống tham nhũng có quyền biết thông tin về tài sản, ngân hàng có nghĩa vụ phải cung cấp và chỉ sử dụng thông tin đó vào phòng, chống tham nhũng, còn nếu sử dụng vào mục đích khác thì bị xử lý.

Cùng chung quan điểm này, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội khóa XIII nêu quan điểm, cần có quy định về trách nhiệm của cơ quan, cá nhân. Trong luật quy định công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan tổ chức nhưng có vấn đề gì đâu, người đứng đầu vẫn lên chức, lên quyền. Vì vậy, ông đề nghị, phải ràng buộc trách nhiệm với biện pháp xử lý và đề nghị Chính phủ sớm ban hành luật kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Hơn 10 năm thực hiện luật phòng, chống tham nhũng, nhiều biện pháp, giải pháp đã được đề xuất, được thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là sự đầy đủ của số lượng các biện pháp, giải pháp mà quan trọng đó là quá trình vận hành các giải pháp đó, có cơ chế nào đảm bảo hiệu quả thực thi. Đặc biệt, qua kinh nghiệm của các nước thành công trong phòng, chống tham nhũng, giải pháp được xem là quan trọng, mấu chốt là kiểm soát tài sản, thu nhập. Nếu không có sự cam kết mạnh mẽ để có sự thay đổi cho phù hợp, những lo ngại trong công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn đó./.

Theo VOV