Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: An toàn là số 1

Giáo dục - Ngày đăng : 07:48, 25/06/2016

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu soát tổng thể kế hoạch triển khai thi, nghiêm túc triển khai việc tập huấn, đảo đảm an ninh, trật tự…

Gần 1 tuần nữa là gần 900.000 thí sinh bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Đây là năm đầu tiên các địa phương phải tổ chức luôn cả hai loại cụm thi đại học, lẫn cụm thi địa phương, vì thế các địa phương gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị và đưa ra các phương án dự phòng…

Nhiều phương án phòng tránh sự cố

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ diễn ra trên khắp 63 tỉnh, thành. Cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2016 lần đầu tiên được tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành


Bộ GD&ĐT đã và đang tiến hành thị sát, kiểm tra công tác tổ chức thi THPT tại các tỉnh thành khu vực phía Nam. Điều lãnh đạo Bộ lo lắng là số cụm thi đại học tăng gần gấp đôi, trong khi các hội đồng thi tập trung ở các thành phố, thị xã rất dễ thiếu chỗ ăn ở cho thi sinh (TS).

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia - địa phương có số TS dự thi đông thứ 2 sau TP.HCM. Năm nay có khoảng 880.000 TS dự thi. Đây là năm đầu tiên Đồng Nai tổ chức cụm thi ĐH và TS thi tập trung tại TP. Biên Hòa.

Chỉ tính riêng TP. Biên Hòa đã tập trung gần 15.000 TS, chưa tính người nhà đi theo thì việc đi lại, chỗ trọ, ăn uống là vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt, thời gian gần đây liên tục diễn ra tình trạng ngập lụt ở nhiều tuyến đường khi mưa lớn xảy ra tại TP. Biên Hòa.

Để giải quyết những khó khăn trên, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo, giao các ban, ngành phối hợp tổ chức kỳ thi ngay từ tháng 5. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, những TS ở các huyện xa đã được tính tới phương án được vào thuê phòng, sử dụng KTX Trường ĐH Đồng Nai và KTX THPT Trấn Biên - Biên Hòa. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm tra, yêu cầu các khách sạn, nhà hàng cam kết không tăng giá, “chặt chém” TS, phụ huynh.

Tại TP. Bến Tre, với gần 10.000 TS dự thi, phụ huynh đi theo thì vấn đề thiếu chỗ trọ, ăn uống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tỉnh tỉnh Bến Tre cho rằng: “Với tình thế này, các sở, ngành không thể chủ quan mà phải chuẩn bị trước các phương án cụ thể, rõ ràng. Ví dụ Sở Y tế phải đảm bảo 100% không để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn, mất vệ sinh trên toàn thành phố; Công ty Điện lực phải có đủ máy phát điện dự phòng chứ không để 5/9 điểm thiếu máy phát điện như hiện nay; Sở GT-VT phải đảm bảo đủ các phương tiện để đưa TS đến điểm thi an toàn”.

Còn tại phía Bắc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết, Hà Nội đã hoàn tất việc chuẩn bị cho 6 cụm thi THPT Quốc gia. Điểm mới của kỳ thi năm nay là các địa phương tự tổ chức thi cho TS tại địa phương nên Hà Nội sẽ không có cảnh đông TS ùn ùn đổ về dự thi như mọi năm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở, không vì số TS đăng ký dự thi giảm mà công tác tổ chức bị lơ là. Các trường được chọn làm điểm thi có ít nhất 16 phòng thi trở lên, có tường rào cao, cơ sở vật chất đảm bảo mới được chọn.

Ngay trước thềm kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ra chỉ thị yêu cầu các trường, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi rà soát tổng thể kế hoạch triển khai thi, nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi.

Đảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra ách tắc giao thông ở các điểm thi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, điện nước…; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường như thời tiết, thiên tai, cháy nổ...

Tình nguyện tiếp sức mùa thi

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2016 là năm đầu tiên được tổ chức tại 63/63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Theo ban tổ chức, chương trình sẽ thực hiện từ ngày 28/6 - 5/7 với các nội dung gồm: tư vấn, hỗ trợ, đảm bảo an ninh, giới thiệu nhà trọ miễn phí và giá rẻ, hỗ trợ đi lại… Năm nay có hơn 73.000 sinh viên tình nguyện tham gia chương trình.

Ban Tổ chức chương trình cấp Trung ương hỗ trợ cho tình nguyện viên tại tỉnh, thành phố: 13.000 áo thun, 13.000 mũ, 710 dù che, 30.000 cẩm nang tư vấn, 8.000 thùng nước uống. “Bằng tinh thần tình nguyện cao nhất và sự chuẩn bị chu đáo, các tình nguyện viên của chương trình sẽ luôn đồng hành cùng các TS. Mong rằng các TS hãy tự tin” - anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn chia sẻ.

Không chỉ có lực lượng sinh viên tình nguyện mà cả các trường học, địa phương cũng tích cực tạo điều kiện tối đa cho TS nghèo. Đơn cử như Đồng Nai là miễn phí tất cả vé xe buýt cho TS đi thi trên địa bàn tỉnh này. Còn Tây Ninh thì giải quyết những khó khăn về ăn ở, đi lại của TS và phụ huynh bằng giải pháp tổ chức xe đưa đón TS ở xa.

Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ các TS thuộc diện chính sách, con dân tộc, hộ nghèo, vùng khó khăn, không để xảy ra tình trạng TS không thể dự thi vì lý do khó khăn về kinh tế, đi lại. Còn Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia Kiên Giang cũng đã chuẩn bị 4.000 suất ăn miễn phí cho các TS.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tổ chức trong 4 ngày: Ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 với 8 môn thi. Trong đó, có 4 môn thi theo hình thức tự luận gồm: Toán, Văn, Sử, Địa lý; 3 môn thi theo hình thức trắc nghiệm gồm: Lý, Hóa, Sinh. Riêng môn Ngoại ngữ vừa thi viết, vừa thi trắc nghiệm.

Ngày 30/6 TS tập trung đến địa điểm thi làm thủ tục dự thi, nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa sai sót.

Theo Nguyễn Hằng/Báo TNVN