Lập “đường dây nóng” tiếp nhận tin khai thác khoáng sản trái phép
Đời sống - Ngày đăng : 20:46, 24/06/2016
Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Phó Đáy của một doanh nghiệp tư nhân tại Tuyên Quang. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN) |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ có cơ chế bảo vệ và khen thưởng cho người cung cấp thông tin khai thác khoáng sản trái phép; kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cách lập dự toán chi ngân sách cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Đề cập về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn cả nước hiện nay, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhờ đó đã giảm từ 47 tỉnh, thành phố năm 2012 xuống còn 40 tỉnh, thành phố năm 2015 có hoạt động khai thác trái phép. Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép giảm từ 27 loại xuống 10 loại.
Tuy vậy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại nhiều địa phương ngày vẫn có chiều hướng ngày càng càng diễn biến phức tạp, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn mối nguy hiểm đến tính mạng con người.
Nguyên nhân của thực trạng này là do các địa phương chưa xử lý mạnh mẽ, cương quyết đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép; tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm.
Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã khi xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát sỏi lòng sông chưa chặt chẽ, đồng bộ.
Khi đã phát hiện điểm khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương mới thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và kém hiệu quả do mang nặng tính hành chính, chưa kịp thời.
Một bộ phận người dân ở một số địa phương có khoáng sản đời sống khó khăn, không có nghề ổn định đã coi khai thác (cát sông, sét gạch ngói, đá ong, đá chẻ) như là một nghề để mưu sinh hàng ngày. Mặt khác, khoáng sản quý, hiếm thường phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thấp kém, đời sống nhân dân khó khăn, dân trí thấp.
Trong khi đó, lực lượng quản lý khoáng sản rất mỏng, thiếu phương tiện, kinh phí nên không thường xuyên kiểm soát để phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Đến thời điểm này, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 đã được Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành khá đầy đủ, là cơ sở pháp lý quan trọng cho quản lý nhà nước về khoáng sản.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03 ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 tại Điều 227 đã quy định tội "vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".
Như vậy về mặt thể chế cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cơ bản đã hoàn thiện. Điều quan trọng phải tổ chức thực hiện tốt các quy định này. Cụ thể như tiếp tục tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản một cách rộng rãi, nhất là chính quyền cấp xã và cho người dân nơi có khoáng sản.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, phối hợp với các địa phương có chung địa giới hành chính ban hành quy chế phối hợp trong việc quản lý khoáng sản vùng giáp ranh để chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn sớm các nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép và nâng cao hiệu quả công tác này; kiên quyết xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, kể cả người đứng đầu cấp chính quyền địa phương khi để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép kéo dài mà không xử lý dứt điểm.