“Người tình của cả thế gian”: Thử thách lòng kiên nhẫn của bạn đọc
Sách - Ngày đăng : 08:27, 24/06/2016
Trần Tiễn Cao Đăng là gương mặt quen thuộc của người yêu văn chương trong nước. Anh đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học lớn, trong đó có những tiểu thuyết được yêu thích như: “Biên niên ký Chim vặn dây cót” (Haruki Murakami), “Nếu một đêm đông có người lữ khách” (Italo Calvino), “Từ điển Khazar” (Milorad Pavic), “Mãi đừng xa tôi” (Kazuo Ishiguro)... Trong vai trò người viết, anh từng in tập truyện ngắn “Baroque và ẩn họa” vào năm 2005 rất được chú ý. Bởi vậy, độc giả đặt nhiều hy vọng ở cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh.
Trong “Người tình của cả thế gian”, Trần Tiễn Cao Đăng sáng tạo nên nhân vật Life Navigator. Đây là một người đặc biệt của thời đại tương lai, có thể dẫn dắt tâm trí người khác đi qua quá khứ, tương lai của chính họ hay của những người khác. Từ đó, những người ở thời đại chúng ta có thể khám phá ra nhiều điều về bản thân mình, về thế giới mà mình đang sống.
Tiểu thuyết mở ra với cảnh một Life Navigator mang số hiệu 25 xuất hiện trên tàu không gian. Anh hóa thân thành một người Việt Nam ở thời hiện tại (thế kỷ XXI) để giúp cô gái - nhân vật “nàng”, đi qua thế giới giấc mơ. Tuy Life Navigator được lấy làm tên sách, nhưng nhân vật này chỉ mang tính dẫn dắt. Nhân vật chính của tác phẩm là “nàng”. Sau khi được đưa qua những giấc mơ thì “nàng” đã biến đổi, thuộc về một chủng người cao cấp hơn ngày nay.
Điều thách thức độc giả đọc tiểu thuyết này chính là kết cấu. Tác giả không chọn lối kể chuyện theo diễn biến thông thường, mà tạo nên tác phẩm theo cảnh. Cứ qua một chương về cảnh đời thực lại tới một chương về những giấc mơ, tạo nên mạch dẫn dắt người đọc. Trong buổi trò chuyện, Trần Tiễn Cao Đăng đã đưa ra chỉ dẫn cho người đọc. Theo tác giả, nếu cần một cốt truyện thì độc giả chỉ đọc những chương đời thực mà bỏ qua những chương về giấc mơ siêu thực. Như vậy, câu chuyện biến đổi của cô gái sẽ hiện ra rõ hơn.
Tác phẩm lấy bối cảnh thành phố Huế của nước ta, nhưng các nhân vật lại mang dáng dấp toàn cầu hóa. Bởi thế mà trong tiểu thuyết này có nhân vật người Nhật Bản, Tây Ban Nha hoặc Đức… Trần Tiễn Cao Đăng từng bày tỏ, anh tạo ra nhân vật, bối cảnh Việt Nam vì đó là những gì anh hiểu nhất. Nhưng, điều anh quan tâm và hướng tới là con người nói chung, là cả thế giới.
Với nhân vật Life Navigator có những khả năng đặc biệt, nhiều người cho rằng tiểu thuyết của Trần Tiễn Cao Đăng là tác phẩm giả tưởng. Nhưng, có xếp tác phẩm này vào thể loại gì chăng nữa thì nó vẫn trình ra một hiện thực của cuộc sống con người. Có chiến tranh, môi trường bị hủy hoại, đạo đức suy đồi… Tuy vậy, bên cạnh những cảnh “địa ngục” của đời sống, tác phẩm còn có những cảnh “thiên đường”, là vẻ đẹp của thiên nhiên, của sự sống. Bản thân tên “Người tình của cả thế gian” đủ gợi nên tình yêu tha thiết đối với sự sống trên Trái đất này.
Tác giả cho biết, ý tưởng tác phẩm đến từ một giấc mơ. Cái tên “Life Navigator”, con số 25 và hình ảnh một chàng trai thanh tú đứng dựa vào thân tàu là những gì còn sót lại của giấc mơ ấy. Ban đầu, Trần Tiễn Cao Đăng chỉ định viết một truyện dài, về tình yêu nam nữ. Song, càng viết thì ý tứ càng nảy nở trong đầu, rồi tràn ra trang giấy. Ba năm trôi qua, tác phẩm trở thành một tiểu thuyết mà bản thảo gốc lên tới 800 trang. Nội dung của nó cũng phát triển, từ tình yêu nam nữ thành tình yêu cuộc sống, tình yêu nhân gian.