Tiếp cận thẳng những vấn đề mới nhất của thế giới về đào tạo nhân lực

Giáo dục - Ngày đăng : 06:45, 24/06/2016

(HNM) - Hôm qua 23-6, tại UBND TP Hà Nội diễn ra hội thảo


Hội thảo là một trong những bước đi cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI với mục tiêu xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về GD-ĐT; thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng, phát triển nhân tài; tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GD-ĐT…; phấn đấu đến năm 2025 giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, hội nhập quốc tế.


Giờ thực hành tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Anh Quang


Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đều thống nhất cho rằng, nhân lực là yếu tố cốt lõi của mỗi thành phố, mỗi quốc gia. Hà Nội cần phải thay đổi, cập nhật công cuộc đổi mới giáo dục, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực gắn với tình hình mới và có tầm nhìn đến 2030. Theo đó, Hà Nội cần tìm kiếm, chọn lọc các chương trình đào tạo ngắn hạn, trung hạn theo từng cấp độ và chuẩn hóa nội dung, chương trình theo chuẩn quốc tế; đồng thời, dự báo được nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực của thành phố trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Giải pháp căn bản được các chuyên gia đưa ra là Hà Nội cần thiết xây dựng chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, trong đó khai thác các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài cho đội ngũ quản lý cốt cán. Ngành GD-ĐT Thủ đô cần đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh hứng thú với việc học ngoại ngữ, dễ dàng tiếp nhận các kiến thức thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ.

Chuyên gia Casper Lua của Singapore cho rằng: “Cần cải thiện năng lực sử dụng tiếng Anh; tri thức và kỹ năng trở thành nguồn thu ngoại tệ, đó là bản chất để tạo ra một công việc tốt hơn”. Từ những kinh nghiệm của bản thân, ông Casper gợi ý với Hà Nội cần cải thiện giáo dục từ cấp THPT đến đại học, trong đó tập trung giải quyết các hạn chế trong giáo dục và thực hiện đào tạo con người nhằm nâng cao năng lực quản lý. Học sinh cần được tiếp cận tiếng Anh nhiều hơn để phục vụ công việc trong tương lai. Muốn vậy, Hà Nội cần phải chuẩn hóa, hiện đại hóa chương trình đào tạo, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống; bên cạnh đó, phải đẩy mạnh ứng dụng tin học, xây dựng các cơ sở vật chất tốt hơn để học sinh có hứng thú khi đến trường...

Đồng quan điểm với ông Casper, chuyên gia Ogawa Tsuruo thuộc Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản cũng đề xuất mô hình giải pháp tổng thể đào tạo tại các trường chuyên. Theo đó, Hà Nội cần xây dựng hệ thống giáo trình mềm dẻo, linh hoạt, tiếp thu công nghệ quản lý, giáo trình của các quốc gia tiên tiến; nâng cao kỹ năng sư phạm cho giáo viên, cán bộ quản lý. Một giải pháp rất quan trọng cũng được chuyên gia này nhấn mạnh, đó là ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, làm phong phú cách dạy học, truyền hình dạy học, sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để đánh giá phân tích… tạo cảm hứng cho học sinh, kể từ cấp tiểu học.

Chuyên gia Tsai Chang (Đài Loan - Trung Quốc) cho rằng, Hà Nội đang có sự tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng vào nguồn lực quốc gia, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, thì đối tượng quản lý cũng phải thay đổi. Cũng theo ông Tsai Chang, kinh nghiệm ở Đài Loan có sự phát triển nhân lực được như ngày nay là do đã quan tâm, đưa cán bộ đi học tập, đào tạo ở các nước tiên tiến. Vì thế, Hà Nội cũng cần đầu tư đến nhân lực trong bộ máy cơ quan nhà nước, bởi các lĩnh vực đều do cán bộ công chức điều hành. Do đó, Hà Nội cần có kế hoạch, chiến lược nhanh và lâu dài, cần phải đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thay đổi, cập nhật phương tiện quản lý hiện đại.

Sẽ có đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung bày tỏ trân trọng cảm ơn các chuyên gia quốc tế đã thuyết trình những kinh nghiệm quý báu và đề xuất những giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề và đào tạo nguồn nhân lực TP Hà Nội. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, hội thảo chính là việc UBND TP Hà Nội đang thực hiện một trong 3 khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới".

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh với hiệu trưởng các trường cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn thành phố tham gia hội thảo rằng, chúng ta đang hội nhập, muốn hội nhập được thì phải có nguồn nhân lực, mà nguồn này phải có tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu công việc, đồng thời đáp ứng nhu cầu hội nhập, do vậy đòi hỏi phải có tiêu chuẩn chung. Hiện nay, một số trường cao đẳng, dạy nghề có tham khảo các chương trình dạy nghề của Australia, Nhật Bản, Đức... song theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, muốn dạy nghề thành công để sau này các học sinh đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì đòi hỏi tối thiểu hai tiêu chuẩn: Trình độ phù hợp thị trường và đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động. Đây là hai vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong quá trình đào tạo của các trường cao đẳng, dạy nghề của Hà Nội. Tới đây, thành phố sẽ kết nối để các trường đến thăm trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của một số nước, từ đó sẽ có phương án vận dụng vào đơn vị mình, làm sao xây dựng được chiến lược đào tạo lâu dài.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo các trường đề xuất đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực đào tạo cần thiết thực, quá trình đầu tư dần từng bước theo yêu cầu thị trường, tiến tới kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để họ đăng ký đào tạo; hạn chế từng bước tự đào tạo, công nhân tự tìm việc sau khi ra trường. Muốn làm được điều đó, mỗi trường phải tự xây dựng thương hiệu cho mình qua chất lượng công nhân, mức lương công nhân được hưởng. "Lý do vì sao TP Hà Nội mời nhiều chuyên gia tham dự hội thảo, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, du lịch chính là cần lắng nghe ý kiến chuyên gia, kinh nghiệm họ trải qua. Kinh nghiệm của tôi từ khi sang lãnh đạo UBND thành phố, không có gì bằng việc học kinh nghiệm của thế hệ đi trước, những người đã trả giá để mình không mắc sai lầm của họ" - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các trường cần tính toán, không đơn thuần dạy không, mà có thể phát huy, tận dụng quỹ nghiên cứu, đào tạo của các trung tâm, hãng máy trên thế giới. Về nghiên cứu ứng dụng đào tạo, các trường cần tiếp cận thẳng vấn đề mới nhất của thế giới. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, các trường đừng nghĩ quan niệm đào tạo chờ ngân sách nhà nước, sinh viên đóng phí, mà phải biết khai thác, tận dụng nguồn lực xã hội. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, mỗi trường nên thành lập một nhóm, thường xuyên cập nhật thông tin, phương án dạy nghề tiên tiến trên thế giới để áp dụng, có như vậy sản phẩm đào tạo mới đáp ứng được trong thời kỳ hội nhập. Tới đây, UBND thành phố sẽ tổ chức thêm các hội thảo về giảng dạy, đào tạo cán bộ quản lý hành chính các cấp cho thành phố để thành phố hoàn thiện đề án đào tạo cán bộ trong cơ quan hành chính nhà nước, đáp ứng đến năm 2030 và những năm tiếp theo với mục tiêu có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Tuấn