Nguồn lực mới phát triển kinh tế tập thể

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:10, 28/11/2022

(HNM) - Hiện các địa phương trên cả nước đã và đang tích cực triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TƯ (ngày 16-6-2022), Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TƯ sẽ tạo được nguồn lực mới thúc đẩy các hợp tác xã, tổ hợp tác... phát triển một cách năng động, hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao đời sống của nông dân…

Sơ chế, đóng gói rau sạch tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm

Gắn kết nông dân với thị trường và doanh nghiệp

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, ước tính hiện cả nước có 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã, thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so với năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so với năm 2021)...

Thực tế cho thấy, nhiều hợp tác xã đã trở thành "đầu tàu" trong ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tại các địa phương. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Hoàng Văn Thám cho biết: Hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh với bán kính phủ sóng 15km, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... Hợp tác xã cũng đã đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp quản lý vùng sản xuất theo quy trình... Hiện tại, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp gần 2 tấn rau, quả sạch cho bếp ăn của 4 bệnh viện, 15 cửa hàng tiện ích và hệ thống siêu thị Big C, T-Mart theo hợp đồng liên kết, với giá bán ổn định.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình Trần Văn Toản, toàn tỉnh Thái Bình có 250 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hợp tác xã là mắt xích quan trọng gắn kết người nông dân với thị trường và doanh nghiệp, giữa sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu.

Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận, tuy nhiên hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; nhiều hợp tác xã chưa chủ động xây dựng kế hoạch phát triển trong xu hướng hội nhập, còn bị động trong cả sản xuất và tìm kiếm thị trường.

Chăm sóc dưa lưới tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Để tạo nguồn lực phát triển kinh tế tập thể mà chủ lực là các hợp tác xã, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân…; đồng thời đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất; đẩy mạnh việc tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các hợp tác xã cần thúc đẩy chuyển đổi số, nhanh chóng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Rạch Gầm (Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) Trần Đỗ Liêm cho rằng, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã mới thành lập tiếp cận nguồn vốn, công nghệ kỹ thuật, xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá hình ảnh bằng công nghệ số…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho rằng, cùng với việc nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số, cần có cơ chế hỗ trợ tập huấn về công nghệ thông tin, các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cũng như các giải pháp chuyển đổi số, hướng tới xây dựng mô hình hợp tác xã số để cùng kết nối trong sản xuất và tiêu thụ.

Song hành với việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn nhân lực, tài chính... trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, cần xây dựng hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ các hợp tác xã sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số (trong hoạt động quản lý, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm); thành lập hợp tác xã cung ứng dịch vụ công nghệ cao ở các địa phương; giúp các hợp tác xã áp dụng hiệu quả những hạng mục trong quá trình chuyển đổi số.

Nghị quyết số 20-NQ/TƯ đã chỉ rõ những giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể với 8 nhóm chính sách: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, chính sách tài chính, chính sách tín dụng, chính sách khoa học và công nghệ, chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị, nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách bảo hiểm xã hội. Qua đó, tạo nguồn lực mới để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát huy vai trò, vị thế trong nền kinh tế đất nước.

Đỗ Minh