Xuất khẩu vải thiều: Còn nhiều rào cản
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 23/06/2016
Ảnh: Vietnam+ |
Khắc phục hạn chế về chất lượng
Vải thiều được trồng chủ yếu tại Hải Dương và Bắc Giang. Năm 2015, vải thiều chính thức được XK sang các thị trường "khó tính" nhưng tiềm năng như Mỹ, Australia, EU, Pháp, Nhật Bản… Hiện Hải Dương đã xây dựng 36 mô hình với 225ha trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP có thể XK. Ở tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn đã cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ điều kiện XK sang Mỹ, Australia, EU. Ông Robert Guillermo, kiểm dịch viên đã 42 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá: Vải Việt Nam có chất lượng và mẫu mã vượt trội bởi quả to, đều, đẹp. Tuy nhiên, về các tiêu chí an toàn, chất lượng thì chỉ có số ít vườn vải đáp ứng được tiêu chuẩn.
Hiện đa phần diện tích trồng vải ở các tỉnh trên phân bố nhỏ lẻ nên khó ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải (Bộ Công thương) cho biết: Bộ này đang phối hợp với các bộ liên quan và UBND 2 tỉnh trên để xây dựng đề án thí điểm về tổ chức canh tác, sản xuất và tiêu thụ quả vải theo chuỗi giá trị từ khâu tổ chức sản xuất đến chế biến, tiêu thụ… Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: Dự kiến năm nay, thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ nhập vải thiều Việt Nam với số lượng lớn hơn năm trước, nhưng nếu không đáp ứng đủ về chất lượng và số lượng thì khó có thể duy trì lâu dài. Vì vậy, hai tỉnh này cần xây dựng các vùng vải tập trung để có thể ứng dụng công nghệ cao và chú trọng quản lý chất lượng sản phẩm.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Ông Phạm Ngọc Tú - Giám đốc Công ty Ánh Dương Sao - DN vừa XK thành công 10 tấn vải Lục Ngạn sang Mỹ bức xúc: Để hoàn thành các thủ tục XK quả vải, DN phải qua nhiều khâu như chiếu xạ, dán tem, nhãn... “Vải thiều được thu hoạch tại phía Bắc nhưng phải vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để chiếu xạ trong khi ngay tại Hà Nội cũng có trung tâm chiếu xạ thuộc Bộ KH&CN”.
Tương tự, bà Đặng Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty CP Quốc tế logistic Hoàng Hà - Chi nhánh Hà Nội cho biết, DN phải chạy khắp nơi vì vướng nhiều thủ tục. Trong đó, vướng nhất là trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội từ chối yêu cầu kiểm tra, giám sát an ninh, dán tem an ninh cho các kiện vải và yêu cầu DN tự liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan để được giải quyết. “Cách đi “lòng vòng” đó làm mất nhiều thời gian của DN, nếu lỡ không giao hàng đúng ngày thì không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà quan trọng hơn là mất uy tín” - bà Hải chia sẻ.
Việc phải chiếu xạ ở TP Hồ Chí Minh đã khiến giá vải XK của Việt Nam tăng lên (hiện có giá từ 7 đến 8USD/kg) trong khi giá vải của Trung Quốc chỉ khoảng 2,5-3USD/kg. Đây cũng là trở ngại lớn cho DN XK vải Việt Nam. Theo tính toán, nếu chiếu xạ tại Hà Nội, DN sẽ giảm được chi phí từ 15 đến 16 triệu đồng/tấn. Lý giải về vấn đề này, ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết: Trung tâm đã hoàn thành dự án nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ chiếu xạ kiểm dịch quả tươi xuất khẩu tại Hà Nội và đã gửi hồ sơ xin cấp phép chiếu xạ kiểm dịch quả vải cho Mỹ và Australia từ tháng 5-2016. Hiện Trung tâm đang hoàn thiện nốt các thủ tục pháp lý mới thực hiện chiếu xạ được.
Trước những khó khăn của DN XK vải, ông Trần Thanh Hải cho biết: Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường tiếp xúc với DN cũng như cơ quan chức năng tại nước sở tại nhằm tìm kiếm cơ hội XK; đồng thời, kiến nghị các cấp, các ngành cùng tháo gỡ khó khăn cho DN XK. Được biết, đại diện Vietnam Airlines đang xem xét giảm 30% cước vận chuyển trái vải tươi trên các đường bay thẳng của hãng tới Australia.