Khởi đầu từ ”nút bấm” nhận thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 23/06/2016
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, các ban TTND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã thực hiện một khối lượng công việc không nhỏ, trong đó kiến nghị với các cấp chính quyền 1.123 trên tổng số hơn 4.200 vụ được giám sát. Đáng chú ý, 92,52% số vụ kiến nghị được cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Một cách cụ thể, nhìn từ các ban TTND cơ sở có thể thấy rõ nhiều vụ việc “nóng”, liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân, đặc biệt “trúng” với chủ trương lớn của thành phố như quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường trật tự văn minh đô thị.
Hoạt động GSĐTCCĐ (với đa số thành viên đều là TTND kiêm nhiệm) trong 6 tháng qua được đo bằng con số 187 vụ vi phạm được phát hiện trên tổng số 1.627 dự án đã giám sát. Trong đó, 159 vụ được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời. Hoạt động GSĐTCCĐ cũng thu hồi về cho Nhà nước 28.870m2 đất, đồng thời ngăn chặn kịp thời những sai phạm nhiều mức độ ở một số công trình đầu tư.
Tuy nhiên, để “đẩy” hiệu quả hoạt động của lực lượng TTND và GSĐTCCĐ trong thực tế đời sống xã hội, để hoạt động này sát với vị trí, vai trò đã được xác định thì thực sự cần “mổ xẻ” thấu đáo về cơ chế vận hành của những mô hình này, qua đó, tìm ra điểm hạn chế cũng như hướng khắc phục có tính cơ bản nhất. Bởi lẽ, thực tế cũng cho thấy, dù kết quả hoạt động của lực lượng TTND và GSĐTCCĐ là rất cụ thể, hữu ích vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi gắt gao từ thực tế, chưa đạt đến tầm mức như vị trí, vai trò đã được xác định. Nguyên do có rất nhiều, từ trách nhiệm quan tâm, chỉ đạo của chính quyền cơ sở, công tác phối hợp của MTTQ đến hạn chế về trình độ năng lực của các thành viên, chế độ chính sách cho lực lượng này… Nhưng hạn chế có tính quyết định, cũng như nút thắt cơ bản đối với sự vận hành của ban TTND, ban GSĐTCCĐ chính là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương và cả người dân. “Chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo”, “việc xử lý các kiến nghị của ban TTND, ban GSĐTCCĐ còn chậm hoặc chưa được giải quyết” hay “chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn”… chỉ là những cách nói cho thấy hệ quả của việc nhận thức chưa thật thấu đáo về vai trò, vị trí của lực lượng này.
Một khi cấp ủy, chính quyền địa phương và bản thân người dân xác định rõ các thành viên TTND, GSĐTCCĐ là “tai mắt” của chính quyền cơ sở, của cộng đồng cư dân, vì quyền lợi lâu dài của địa phương và của chính người dân thì nhiều nút thắt sẽ dần được giải quyết. “Nút bấm” nhận thức thực sự quan trọng, là khởi đầu và động lực cho mọi hành động. MTTQ Việt Nam các cấp, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương chính là những nhân tố khởi động “nút bấm” quan trọng này để đưa hoạt động TTND, GSĐTCCĐ tới chiều sâu hiệu quả trong đời sống.