Bài cuối: Sống trong sợ hãi!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 23/06/2016
Điểm kinh doanh “ba không”
Theo quy định, kinh doanh, tái chế phế liệu là loại hình kinh doanh có điều kiện, ngoài giấy đăng ký kinh doanh, còn phải có cam kết về bảo vệ môi trường (BVMT), giấy xác nhận PCCC. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế hầu hết những điểm thu gom, tái chế phế liệu trên địa bàn Hà Nội đều không có bất cứ giấy tờ gì (!?). Điều này thể hiện rõ sự buông lỏng quản lý, giám sát của chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng từ thành phố đến cơ sở.
Ngõ 34 phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa từ lâu nổi danh là một "lãnh địa" của dân buôn bán, thu gom, tái chế phế liệu. Nằm ở giữa khu dân cư đông đúc, phía trong con ngõ đẹp ở một tuyến phố trung tâm là những túp lều tạm bợ, tối tăm, nhếch nhác với đủ loại phế liệu thu gom từ khắp nơi nằm chất đống. Tại các quận, huyện như Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì…, có không ít điểm thu gom, tái chế phế liệu nằm giữa KDC đông đúc, hay trong các khu đô thị mới văn minh, hiện đại. Chỉ riêng địa bàn quận Hà Đông, theo thống kê đến hết tháng 3-2016, toàn quận có 132 điểm thu gom, tái chế phế liệu, trong đó tập trung nhiều ở các phường: Phú La có 16 điểm; Hà Cầu 8 điểm; Đồng Mai 12 điểm… Trong số đó, nhiều điểm nằm ngay trong các khu đô thị như Văn Quán - Yên Phúc; Văn Phú; Xa La… Không chỉ gây ô nhiễm, các điểm thu gom phế liệu còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao khiến người dân trong khu vực luôn sống trong cảnh “nơm nớp” lo sợ; và thực tế vụ nổ kinh hoàng do cưa bom ở một điểm thu gom phế liệu ở Khu đô thị Văn Phú hồi tháng 3-2016 là một minh chứng.
Tại quận Nam Từ Liêm, các điểm thu gom, tái chế phế liệu tập trung nhiều trên tuyến đường 70 thuộc địa phận phường Đại Mỗ và các phường Phú Đô, Trung Văn, Mễ Trì… với đủ chủng loại, song hầu hết đều là hàng dễ cháy. Sau khi thu gom về, các chủ cơ sở phân loại và bán cho các xưởng tái chế ở các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội hoặc một số tỉnh lân cận. Tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; UBND huyện và Công an huyện Thanh Trì đã chỉ đạo UBND xã và Ban công an xã kiểm tra, thống kê các hộ gia đình làm nghề thu gom, tái chế phế liệu trên địa bàn. Hiện ở Tân Triều có 13 hộ thu gom, tái chế phế liệu, song chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ. Mặc dù hằng năm, Công an xã đều tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, nghiêm cấm các hộ không kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, nổ, có biện pháp bảo đảm PCCC và BVMT theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên đến nay cả 13 hộ thu gom, tái chế phế liệu này vẫn hoạt động trong điều kiện “ba không”: Không giấy đăng ký kinh doanh, không giấy xác nhận BVMT và PCCC.
Qua khảo sát, đặc điểm chung của các điểm thu gom, tái chế phế liệu đều chật chội, quy mô hộ gia đình và tập trung quanh một số dự án, khu đô thị đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hoặc gần KDC để thuận tiện trong việc thu gom. Rất ít điểm thu gom, tái chế phế liệu được trang bị phương tiện PCCC, nếu có chỉ là những bình chữa cháy mi ni. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về công tác quản lý hoạt động các cơ sở này, chính quyền các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đều "kêu khó" vì không có chế tài xử lý và những quy định cụ thể liên quan đến nghề này.
Đối diện với nhà C4-TT1, Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc (Hà Đông) là một điểm thu gom phế liệu tồn tại nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường. |
Ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng Công an quận Hà Đông cho biết: Nhằm bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn, từ nhiều năm nay, Công an quận và các phường đã chủ động tuyên truyền, tổ chức ký cam kết về công tác PCCC đến các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp. Riêng các điểm thu gom, tái chế phế liệu còn ký cam kết chấp hành nghiêm việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ các loại. Trong quá trình kinh doanh nếu phát hiện các vật nghi vấn là vật liệu nổ, bom mìn, đạn… phải báo cáo ngay cho Công an, Ban CHQS các phường, cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, vẫn rất khó quản lý vì hầu hết hộ dân đều kinh doanh nhỏ lẻ, không có biển hiệu, hay thay đổi địa điểm.
Theo Điều 29, Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì dự án về việc kinh doanh phế liệu phải được lập kế hoạch BVMT. Việc xác nhận kế hoạch BVMT được thực hiện theo Điểm c, Khoản 1, Điều 19, Nghị định 18/2015: UBND cấp xã xác nhận kế hoạch BVMT đối với phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ quy mô hộ gia đình được UBND cấp huyện ủy quyền bằng văn bản. Thế nhưng, tại hầu hết các xã, phường trên địa bàn Hà Nội, chưa có nơi nào thực hiện việc xác nhận kế hoạch BVMT cho các hộ thu gom, tái chế phế liệu.
Công tác quản lý bị... bỏ ngỏ
Trên thực tế phường, xã là nơi biết rõ nhất hoạt động thu gom, tái chế phế liệu tại các KDC, do đó trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. Để xảy ra tình trạng lộn xộn trong loại hình kinh doanh này một mặt do ý thức của người dân chưa cao, mặt khác cũng bởi sự thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở khi không làm tốt vai trò thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Thực tế, đã có nhiều vụ cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu, tuy nhiên chính quyền các địa phương lại chưa quan tâm đến công tác quản lý loại hình kinh doanh này.
Chúng tôi đã đến nhiều quận, huyện như: Thanh Xuân, Thanh Trì, Nam Từ Liêm… để đặt lịch làm việc về vấn đề này, tuy nhiên sau nhiều ngày chờ đợi, hầu hết các quận, huyện vẫn không cung cấp được số hộ đang thu gom, tái chế phế liệu trên địa bàn. Ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận chưa thống kê liên quan đến loại hình kinh doanh này nên chưa biết được toàn quận hiện có bao nhiêu điểm thu gom, tái chế phế liệu. Chỉ biết rằng, từ năm 2013 đến nay, quận chưa nhận được hồ sơ nào đăng ký kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội chưa có thống kê đầy đủ về các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu, nhưng thực tế lại có rất nhiều điểm kinh doanh mặt hàng này mọc lên không tuân thủ các quy định về môi trường, PCCC dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Trước những hệ lụy khó lường mà hoạt động thu gom, tái chế phế liệu mang đến, đã đến lúc phải xây dựng quy hoạch cho ngành nghề nguy hiểm này và có giải pháp quyết liệt, buộc các chủ cơ sở phải đăng ký kinh doanh, đưa vào diện quản lý có đăng ký đặc biệt. Bằng cách này, Nhà nước vừa thu được thuế vừa hạn chế tối đa các vụ cháy nổ do các điểm thu gom, tái chế phế liệu gây ra. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là cho các chủ cơ sở thu gom, tái chế phế liệu để họ có kiến thức bảo vệ bản thân, gia đình mình trước khi nghĩ đến an toàn của cộng đồng xung quanh.