“Bay” cùng xúc cảm…
Đời sống - Ngày đăng : 09:32, 21/06/2016
Cao chạy xa bay…
Một dạo, cách nay gần hai mươi năm, ở địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Chương Mỹ và Lương Sơn (Hòa Bình) rộ lên chuyện một bà lang chữa bách bệnh. Không biết hiệu nghiệm đến đâu, thuốc thang kiểu gì mà người khắp nơi kéo đến ùn ùn. Trong nhà, ngoài vườn, quanh ngõ chỉ thấy người nằm dài mỏi mệt chờ đợi. Tình trạng đó kéo dài mấy tháng liền khiến an ninh địa phương bất ổn mà giải tỏa thì không được.
Nghe chuyện, tôi cùng một đồng nghiệp tìm về vào một ngày nắng nóng, mục sở thị cách bà lang chữa bệnh. Đăng ký tên, xếp hàng đợi mãi đến tận cuối chiều mới đến lượt. Phía sau tấm màn cáu bẩn, nhàu nhĩ, giọng bà cất lên xeo xéo, rờn rợn: “Các người bị sao, chồng đưa vợ đi khám hay vợ đưa chồng đi khám? Đưa tay đây!”. Chúng tôi đưa mắt cho nhau, ngầm hiểu rằng mình đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan rồi, tôi luồn tay qua tấm màn cho bà bắt mạch rồi nhỏ nhẹ: “Vợ chồng lấy nhau gần chục năm mà chưa có con, trăm sự nhờ bà…”. Chưa nói xong, bà đã hất tay tôi ra, cộc lốc: Tay kia! Tôi lại chìa tay ra, bà gắt gỏng: Là tay anh chồng ấy! Bà sờ một lúc rồi phán: Các người “đồng sàng dị mộng”, “lệch pha”, không có là phải… Uống mấy chén thuốc là được! Nói xong, bà quay vào bảo người nhà mang thuốc ra. “Thuốc” là một nhúm bột màu tro được bọc trong miếng vải vừa cũ vừa bẩn, bà đặt vào cái bát cũ, đổ nước vào rồi dùng ngón tay khua khoắng, vừa khoắng bà vừa lẩm bẩm một thứ ngôn ngữ lộn xộn, vô nghĩa, căng cả tai ra nghe cũng không hiểu là gì. Xong rồi bà túm miếng vải, vắt cho nước chảy xuống bát. Nhìn bát nước đặc sánh như dầu xe máy lâu ngày, tôi nổi da gà khi nghĩ đến việc phải uống nó vào bụng. Cái cảm giác ghê sợ đó bỗng dâng lên thành cơn buồn nôn. Bà lang bảo: Gớm, chưa uống mà đã nghén rồi. Cả hai chúng tôi bấm bụng kéo nhau ra cửa rồi vội vàng cao chạy xa bay… Bài phản ánh về lang băm chữa bệnh bằng mê tín dị đoan được đăng báo kịp thời; sau đó không lâu, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vào cuộc dẹp bỏ.
“Con tin” bất đắc dĩ
Một ngày tháng tám nắng rám trái bòng của 19 năm về trước, tôi được cử đi cùng Tổng biên tập NXH về xã S., huyện H. tìm hiểu và viết bài điều tra: Vì sao trong hàng chục năm nhiều hộ dân chây ỳ không nộp thuế nông nghiệp, thực hiện nghĩa vụ công dân; vì sao chính quyền ở đây bất lực để kiện tụng kéo dài, gây nhức nhối trong đời sống nông thôn?
Chúng tôi cùng tổ công tác của huyện về xã S., định sẽ đến một số hộ trong diện nợ đọng nhiều năm, lắng nghe những yêu sách, nguyện vọng của họ, cũng như tìm rõ nguyên nhân vì sao… Thế nhưng đi đến đâu, chúng tôi cũng bị để ý và càng lúc, càng có đông người kéo theo, cuối cùng là “bị quây” ở một nhà dân bởi những người quá khích. Vô hình trung, đoàn công tác trở thành những con tin bất đắc dĩ. Quá trưa sang chiều rồi mà chúng tôi không thể thoát ra nổi, tương tự như cách đó không lâu chính vị Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã từng bị “nhốt” ở đây. Người ta thay nhau về ăn cơm rồi kéo đến, cấm không cho ai được gọi điện thoại đi… cầu cứu. Tổng biên tập dặn chúng tôi phải kiên trì, mềm dẻo, thuyết phục chứ không được “làm căng”. 3h chiều, ai cũng đói và mệt. Hơn 3h chiều, bỗng điện thoại của tôi réo - là Phó Trưởng Công an huyện gọi, vì sốt ruột không thấy mọi người trở ra. Tôi bốc máy, cố tình nói to để mọi người nghe rõ tình thế hiện tại của cả đoàn. Thế là mấy phút sau, đám đông giải tán. Những con tin bất đắc dĩ là chúng tôi thoát hiểm. Chuyến đi ấy đối với tôi là một trong những trải nghiệm đáng nhớ, chí ít cũng biết thế nào là cảm giác bất an và… đói hoa cả mắt.
Các phóng viên tác nghiệp trên xuồng cao tốc tại Trường Sa. |
Thăng hoa đến độ…
Khi biết mình là một thành viên trong đoàn công tác của thành phố đi Trường Sa, tâm trạng tôi chộn rộn, háo hức, không chỉ bởi thực hiện ao ước được đến vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn được thử xem sức mình có chịu nổi sóng gió Trường Sa? Con tàu Ti Tan mang phiên hiệu HQ 960 - tàu kéo ngầm hiện đại vào loại nhất Việt Nam vào những năm 2009-2010 rẽ sóng sau hai ngày hai đêm đưa đoàn lãnh đạo TP Hà Nội cập đảo Trường Sa Lớn. Khi đó Trường Sa chưa có internet, điện thoại mạng Viettel còn trục trặc nên việc tác nghiệp của phóng viên gặp những khó khăn nhất định trong việc truyền tin thời sự về tòa soạn. Tôi phải đọc qua điện thoại cho đồng nghiệp ở tòa soạn chép lại thông tin về hoạt động của lãnh đạo thành phố ở quần đảo Trường Sa: Khởi công xây dựng Nhà khách Thủ đô - quà tặng của TP Hà Nội cho huyện đảo Trường Sa (năm sau - 2010, nhà khách được khánh thành, từ đó đến nay công trình này đã trở thành một thiết chế văn hóa rất đặc biệt và ý nghĩa ở Trường Sa); thăm, tặng quà cho cán bộ chiến sĩ hải quân trên các đảo chìm, đảo nổi và Nhà giàn DK1.
Gần hai mươi ngày đêm, tôi được đến các đảo chìm đảo nổi, nào Trường Sa Đông, Phan Vinh, Thuyền Chài C, Tốc Tan, Nhà giàn DK1…, chứng kiến các chiến sĩ hải quân kiên cường làm nhiệm vụ giữ gìn lãnh hải thiêng liêng và bảo vệ, giúp đỡ ngư dân đánh bắt hải sản, cảnh giác cao độ đối với những hành vi xâm phạm hải phận. Để rồi mỗi ngày là mỗi trải nghiệm về cuộc sống ở giữa trùng khơi và điều khiến tôi hài lòng về mình nhất là thích nghi ngay được với nắng, gió và sóng biển Trường Sa. Trên tàu Ti Tan có nhiều đoàn công tác, gồm gần hai trăm người; riêng đoàn của Thủ đô Hà Nội có 50 người, đa số là nam giới, nữ giới chỉ khoảng chục người, phần lớn là diễn viên đoàn Chèo và đoàn Ca múa nhạc Thăng Long. Trên chuyến tàu ấy chỉ khoảng năm, bảy người không say sóng trong đó có tôi. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân nói vui: Nhà báo này cứ như được tập huấn nghiệp vụ cơ bản của lính hải quân vậy, động tác lên tàu, xuống xuồng tác chiến quá ngon lành. Sau chuyến này vào bộ đội hải quân nhé… Tôi khi đó vui và cảm động vô cùng! Còn hãnh diện hơn khi mình là nhà báo duy nhất trên tàu Ti Tan được ưu tiên ngồi trên ca nô chỉ huy. Chiếc ca nô rẽ sóng vun vút trên đại dương bao la. Nắng và gió và nước biển ràn rạt tấp vào mặt, cho tôi cảm giác sung sướng và thăng hoa đến độ…