Báo in trong xu thế toàn cầu hóa thông tin
Đời sống - Ngày đăng : 09:29, 21/06/2016
Ngày 26-3 vừa qua, tờ The Independent (Độc lập) của Anh đã ra số báo in cuối cùng, trước khi chuyển hoàn toàn sang phát hành báo điện tử. Như vậy, The Independent là nhật báo lớn đầu tiên của Anh ngừng xuất bản báo giấy kể từ năm 1995 đến nay. Vào thời kỳ hoàng kim, tờ báo này phát hành hơn 420.000 bản/ngày, nhưng những năm gần đây tờ báo uy tín hàng đầu nước Anh này chỉ còn in khoảng 40.000 bản/ngày. The Independent không ra bản báo giấy là sự kiện gây bất ngờ trong làng báo chí thế giới, đặc biệt với các tòa soạn báo in. Thế nhưng, với các chuyên gia nghiên cứu thì đây là xu thế khó tránh trong xu hướng phát triển của truyền thông thế giới. Thực tế, nhiều tòa soạn đã phải chia tay với phiên bản báo in do lượng phát hành và doanh thu từ quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó nhiều tờ báo và tạp chí lớn của Mỹ như tờ CS Monitor hay US News & World Report và mới đây nhất là The New York Times... cũng chung cảnh ngộ.
Các sạp báo ngày càng vắng độc giả.Ảnh: Anh Tuấn |
Không thoát khỏi xu thế suy giảm nghiêm trọng chung của thế giới, báo in ở Nhật Bản cũng đứng trước nhiều thử thách khi số lượng xuất bản giảm mạnh những năm gần đây. Nhật báo hàng đầu của Nhật Bản Yomiuri Shimbun hiện vẫn là tờ báo có số lượng xuất bản lớn nhất thế giới với gần 10 triệu bản/ngày cho số buổi sáng, nhưng thời gian gần đây cũng phải đối mặt với sự sụt giảm thảm hại. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng lượng xuất bản của các tờ báo cấp quốc gia và địa phương ở đất nước mặt trời mọc vẫn ở con số đáng mơ ước đối với nhiều tờ báo trên thế giới. Trong đó, bề dày văn hóa đọc là một đặc trưng của người Nhật, đồng thời cũng là lý do khiến báo in ở Nhật Bản chưa đến chỗ biến mất hoàn toàn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, báo in vẫn còn chỗ đứng trong lòng độc giả. Cũng như truyền hình, phát thanh và phim ảnh trước đây, báo in cần phát triển và tìm ra vị trí thích hợp của mình trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Điều quan trọng là cách tiếp cận và truyền tải thông tin của báo in như thế nào để tạo ra sự khác biệt với các loại hình báo chí khác. Thay vì chạy theo thông tin thời sự như báo mạng, những tờ báo in có thể chọn cách phân tích chuyên sâu những vấn đề thời sự, lý giải ngọn nguồn những vấn đề bạn đọc quan tâm… Đây cũng là cách để báo in có thể duy trì được lượng độc giả của mình.
Cùng với những thay đổi trong cách đưa tin, tiếp cận thông tin, các tòa soạn báo in bắt đầu thực hiện tích hợp giữa báo giấy với báo điện tử và thông tin di động để duy trì độc giả. Rõ ràng cuộc cách mạng của công nghệ thông tin khiến doanh thu của báo in toàn cầu liên tục sụt giảm, trong khi báo điện tử chịu sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội. Sự thay đổi trong cách thức tiếp cận, thu nhận thông tin của độc giả buộc các cơ quan báo chí, nhất là báo in phải đổi thay để tồn tại. Sự suy thoái của báo in trong hơn một thập kỷ qua là điều không phải bàn cãi, nhưng biến đổi của công nghệ thông tin khiến báo chí đa phương tiện nhanh chóng bị thất thế trước báo chí đa nền tảng. Thực tế cho thấy, nếu một tòa soạn chỉ có báo in, truyền hình hay báo mạng vẫn chưa đủ, mà cần có các phiên bản cho máy tính bảng, điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt. Đây là xu hướng mới của báo chí hiện nay. Với đặc thù nhỏ gọn, tích hợp nhiều trình duyệt khác nhau, phiên bản dành cho smartphone (điện thoại thông minh) đã trở thành loại hình báo chí phát triển với tốc độ chóng mặt. Đây là một thể loại mới, có thể bổ sung cho báo in, phát thanh và truyền hình. Vì thế, đọc báo trên điện thoại thông minh trở thành thói quen của phần lớn độc giả.
Trong xu thế toàn cầu hóa và cạnh tranh thông tin quyết liệt, báo chí Việt Nam, đặc biệt các cơ quan báo in đang chịu những tác động khó tránh khỏi. Cùng với những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của báo chí cách mạng, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đang đứng trước những thách thức chung trong xu thế phát triển của báo chí hiện nay. Thực trạng này đòi hỏi các nhà báo không chỉ cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn phải thông thạo các kỹ năng về tin học, ngoại ngữ, hiểu biết thông lệ và luật pháp quốc tế… để nắm bắt các xu hướng phát triển của báo chí và cung cấp cho độc giả những thông tin trúng, đúng và cập nhật nhất.
Nền báo chí Cách mạng Việt Nam đã trải qua 91 năm phát triển với nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, báo chí Việt Nam - đặc biệt báo in truyền thống - tiếp tục có bước phát triển mới nhanh chóng, toàn diện, mạnh mẽ, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và mở rộng giao lưu quốc tế. Dù vẫn còn những hạn chế, song báo chí Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ảnh hưởng to lớn đối với xã hội trước yêu cầu mới. Báo chí không chỉ chủ động tham gia vào đời sống thông tin quốc tế, mà còn góp phần xây dựng một nền báo chí nước nhà đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; phục vụ tốt hơn cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.