Nơi rèn nghề tốt nhất
Đời sống - Ngày đăng : 09:25, 21/06/2016
Tôi từng phải chuyển nhiều ban, làm mọi loại công việc trong cơ quan báo chí (trừ việc hành chính), nhưng vẫn nhớ như in cảm giác khi nhận quyết định về làm biên tập viên ở Ban Thư ký tòa soạn. Lúc đó tôi thấy mình như cầm quyết định vào nhà giam: Thế là hết những chuyến đi xa, hết bay nhảy đó đây cùng đồng nghiệp, tên mình sẽ không xuất hiện trên mặt báo nữa... Công việc ban đầu của tôi từ sáng đến tối ở đây là đọc, nhặt lỗi tất cả mọi tin bài (còn việc sửa cho hay hơn đã có trưởng ban rồi) và hằng ngày phải họp giao ban rút kinh nghiệm từng số báo. Nói gọn lại là công việc khá buồn tẻ.
Thế nhưng sau ít ngày, tôi bắt đầu nhận ra chính ở đây, tôi hiểu được nhiều điều: Vì sao cái tin này phải cắt ngắn, vì sao tin kia được trả lại cho tác giả với yêu cầu viết dài ra và còn thực hiện thêm một bài phỏng vấn, vì sao bài viết bị bỏ đi?...
Tôi vẫn nhớ tính cách của những đồng nghiệp ở Ban Thư ký tòa soạn Báo Hànộimới, họ đều cao tuổi hơn tôi: Ông Quang Tôn luôn miệng càm ràm khi gặp các bản thảo viết tắt vô tội vạ khiến ông phải sửa lại. Ông Trương Uyên từng làm báo qua hai chế độ, mềm tính hơn, khi sửa lỗi cho phóng viên chỉ tủm tỉm cười. Hỏi ông, ông đáp gọn, có thế tòa soạn mới cần đến những người như chúng mình chứ!
Sau này, tôi lại được làm việc với các biên tập viên Lê Tấn Hiển, Nguyễn Năng Lực, các anh đều đã tốt nghiệp đại học và có nhiều năm trong quân đội nên nhiều kinh nghiệm sống và rất giỏi trong việc dùng từ. Không những thế, Lê Tấn Hiển còn viết cả thơ, viết kịch bản phim, vẽ tranh..., rất đa tài.
Ở Ban Thư ký tòa soạn tôi thấy mình lớn lên nhanh nhất là qua việc cùng Ban Biên tập và lãnh đạo ban chuyên môn bàn bạc, trao đổi tổ chức từng trang báo, số chuyên đề và việc phối hợp đưa các sự kiện nóng, sự kiện lớn ở các ấn phẩm và báo điện tử thế nào. Đó là những điều không có trường nào dạy.
Ở đây, tôi thấy rõ sự cẩu thả của phóng viên nhiều khi có thể gây hậu quả khôn lường (nếu không được sửa), thấy khó chịu như ăn cơm phải sạn khi gặp các từ nước ngoài lẫn vào bài, thấy sự lười nhác qua cách đặt tít cùn mòn, thấy như đi vào ổ gà khi gặp các tin bài quá nhiều số liệu...
Cũng ở đây, tôi hiểu làm thế nào để rút được một cái tít hay, để viết được một bài báo hay hơn, hiểu trách nhiệm của mọi biên tập viên là phải biết tổ chức nguồn tin, phải chịu khó tích lũy kiến thức mọi mặt để "chữa cháy" khi bài của phóng viên bị đổ.
Tôi cũng hiểu viết báo khác với làm báo. Viết báo là công việc của phóng viên. Phóng viên chỉ quan tâm đến bài của họ hôm sau lên mặt báo thế nào. Người làm báo phải biết lo cái lo lớn hơn, nghĩ việc bao quát hơn. Trách nhiệm của họ thật nặng nề vì bất kỳ sai sót nào, dù của ai gây ra cũng đều có phần trách nhiệm của họ. Điều đó buộc họ phải luôn thận trọng, tỉ mỉ và học hỏi mỗi ngày.
Sau này, dù phải rời Ban Thư ký tòa soạn Báo Hànộimới để đảm nhiệm công việc khác, tôi càng hiểu nếu không có những năm tháng "bị đày ải" ở đó, tôi thật khó mà trưởng thành.
TS Nguyễn Quang Hòa, nguyên Trưởng ban Ban Thư ký tòa soạn Báo Hànộimới, hiện là giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tác giả của 5 cuốn sách Phóng viên và Tòa soạn (2002), Nghề báo - những bài học nhớ đời (2012), Phóng sự báo chí (2014), Biên tập báo chí (2015), Tổ chức hoạt động cơ quan báo chí (2016) và hàng chục bài báo, tham luận khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành, nói rằng: Những năm tháng làm việc tại Tòa soạn Báo Hànộimới đã cho ông thật nhiều điều bổ ích và ông luôn coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. |