Cuộc chiến sau bàn phím

Đời sống - Ngày đăng : 09:16, 21/06/2016

(HNM) - Ba ngày trước, ngày 18-6, một bài báo được đăng tải trên VietnamPlus, dẫn nguồn AFP/TTXVN, trong đó có đưa ý kiến của một nhà báo nước ngoài (khá nặng nề) rằng Facebook “là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài báo chí”.

Bài báo có tựa đề “Facebook là mối đe dọa tới sự sống còn của báo chí”, một lần nữa, không chỉ đặt ra vấn đề về mối tương quan của mạng xã hội (MXH) và báo chí trong giai đoạn hiện nay, mà còn cho thấy báo chí cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt để có thể duy trì tầm ảnh hưởng của mình trước MXH, đặc biệt là Facebook - “thế lực thông tin mới nổi”.

Đối thủ đáng gờm

“Sinh” vào cuối thế kỷ trước, sau khoảng chục năm, MXH đã tạo ra dấu ấn đậm nét với sự xuất hiện của Facebook - loại hình dịch vụ có khả năng kết nối các thành viên trên mạng internet của toàn thế giới, không phân biệt địa vị, tuổi tác, không gian và thời gian. Cũng chỉ mất suýt soát 10 năm tiếp sau đó, vào thời điểm cho ra mắt công nghệ Facebook Live, “thế lực mới nổi” này đã chứng tỏ năng lực vượt trội trong việc kết nối các thành viên của cộng đồng mạng, tạo ra xu hướng tiêu dùng thông tin mới và cùng với đó là sức ép lên báo chí nói chung. Bằng những tiện ích được xây dựng trên cơ sở thành tựu công nghệ mới, Facebook cho phép người dùng trở thành người cung cấp thông tin, lan truyền rộng rãi cả những tin tức chưa được kiểm chứng, bao gồm cả thông tin gây hại cho cộng đồng. Không chỉ giúp người dùng trở thành người viết báo, MXH còn mang đến cho họ lượng thông tin khổng lồ được dẫn lại từ các hãng thông tấn trên toàn thế giới.

Rõ ràng là với lợi thế về khả năng kết nối gần như vô hạn, sức ảnh hưởng của MXH đang không ngừng tăng lên và người ta đã bắt đầu phải sử dụng thường xuyên khái niệm “truyền thông xã hội”. Dù MXH được coi là “có tính hai mặt” nhưng những cuộc khảo sát được thực hiện gần đây cho thấy, hiện có gần một nửa số người dùng Facebook được hỏi coi đó là nơi cung cấp thông tin chính cho mình; tại Mỹ, trong số người trưởng thành, con số này vào khoảng 30%. Ngay cả các phóng viên giờ cũng coi MXH như một thứ công cụ cần có cho công việc của mình. Một số coi đó là một dạng nguồn tin cần có, nhưng cũng có người coi đó là cơ sở dữ liệu để thẩm định thông tin, thậm chí là tham gia vào quá trình lan truyền thông tin từ MXH ngay cả khi không có điều kiện để kiểm chứng về độ xác thực của chúng.


Người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi thông qua các mạng xã hội bằng smartphone. Ảnh: Anh Tuấn


Xu hướng nói trên cũng có thể thấy được tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê gần đây, được truyền thông trong nước đăng tải thì trong số người trên 18 tuổi sử dụng MXH, có hơn 40% có một tài khoản MXH và hơn một nửa trong số đó đăng ký hai tài khoản cùng lúc. Khoảng 80% trong số hơn hai chục triệu người dùng internet để tiếp cận dịch vụ MXH. Sự phát triển của MXH không chỉ lấy đi một phần bạn đọc, mà còn tác động không có lợi tới điều kiện phát triển của nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là về thời lượng (đối với truyền hình, phát thanh) và dung lượng quảng cáo cũng như số lượng phát hành.

Thay đổi để khẳng định tầm ảnh hưởng

MXH, không còn nghi ngờ gì nữa, đã tạo sức ép nghẹt thở lên các loại hình báo chí truyền thống. Nếu như hơn chục năm trước, báo điện tử, “đứa con út” (?) của làng báo thế giới còn có thể yên tâm về sức lan tỏa thông tin của mình thì giờ đây, ngay cả những trang tin lớn cũng phải tìm cách chống lại sức ép đó nhằm giữ bạn đọc ở lại với mình. Từ các hãng thông tấn lớn của thế giới đến truyền hình, báo in; BBC, AFP hay CNN, Reuters…, tất cả đều tìm cách tận dụng khả năng kết nối rộng lớn của MXH bằng cách đưa sản phẩm của mình lên đó, đặc biệt là trên Facebook, nhằm thu hút bạn đọc.

Tại Việt Nam, các báo và trang tin điện tử có lượng truy cập khá như VnExpress, VietNamNet, Lao Động, Thể thao & Văn hóa, Thanh Niên, Hànộimới… đều đã có địa chỉ riêng trên mạng Facebook và danh sách này ngày một dài thêm. Các phóng viên cũng góp công quảng bá sản phẩm của cơ quan báo chí mà mình làm việc, bằng cách dẫn link những bài báo được cho là có chất lượng tốt hoặc đưa các bài báo đáng chú ý của mình lên trang cá nhân. Một số còn mời gọi bạn bè trên mạng vào địa chỉ của báo, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng rộng rãi trên MXH nhằm thu hút bạn đọc.

Đó là một giải pháp để khẳng định sự hiện diện của dòng thông tin chủ lưu. Tuy vậy, nếu chỉ đơn thuần là tạo cơ hội xuất hiện trên MXH, báo chí chính thống rất khó để giành lại đủ lượng bạn đọc như đã có ở thời hoàng kim. Facebook, như đã nói, là loại dịch vụ cho phép người sử dụng trở thành người viết báo vào bất cứ khi nào họ muốn. Hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ người trong tương lai có thể viết báo. Họ có mặt ở mọi nơi, có thể thu về lượng thông tin khổng lồ mà không một hãng thông tấn nào có thể sánh được. Trong điều kiện đó, các phân tích chỉ ra rằng, để tạo ra sự cân bằng ở mức có thể về sức ảnh hưởng trên MXH so với các cây viết tự do, điều cần nhất đối với các cơ quan báo là tìm ra cách nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thuộc nhiều thành phần. Càng có nhiều tác phẩm báo chí phản ánh được điều mà bạn đọc quan tâm, giải mã thấu đáo những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống mà vì nhiều lý do, nhiều thành viên MXH không thể hoặc không muốn thông tin một cách chính xác, thì báo chí chính thống càng có cơ hội khẳng định sức hút của mình.

Không ai khác, chính các nhà báo sẽ là người đi đầu trong hành trình nói trên, bằng cách tạo ra sản phẩm báo chí hữu ích với đời sống thay vì sa đà, chạy theo “thế giới ảo”, bỏ qua sự cần thiết phải sàng lọc thông tin có từ MXH. Trong cuộc cạnh tranh ngày một gay gắt, báo điện tử và truyền hình cần phải phát huy tốt hơn lợi thế lan truyền thông tin nhanh chóng tới số đông bạn đọc. Thậm chí phải xem như đây phương tiện chủ lực trong cuộc cạnh tranh với MXH, để thông tin mang lại không chỉ có ích cho bạn đọc mà còn phải góp phần phản bác lại những thông tin thất thiệt, những quan điểm không đúng đắn và thiếu tính xây dựng vốn đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Đức Huy