Nhọc nhằn nghề báo (tiếp theo và hết)
Giới trẻ - Ngày đăng : 08:36, 21/06/2016
Những người làm nghề, dù chưa lâu cũng đều hiểu, Thư ký tòa soạn là bộ phận “chảo lửa”, “đầu sóng ngọn gió”, "phên giậu" cho một tờ báo, ai ở bộ phận này cũng luôn xác định tâm thế “công ít, tội nhiều”. Với những tờ nhật báo như Hànộimới, áp lực còn nặng nề hơn. Áp lực lớn nhất chính là thời gian. Thời gian buộc những bánh răng trong cỗ máy tòa soạn phải chuyển động liên tục với tốc độ chóng mặt của thông tin, buộc mỗi con người phải có trách nhiệm với chính mình, với từng vị trí công việc trong dây chuyền xuất bản và không ai có thể "đẩy bóng" cho ai, bởi những nhầm lẫn nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Áp lực tiến độ thời gian - là sự nhọc nhằn nhất và luôn diễn ra triền miên với mỗi nhà báo dù ở bất cứ khâu nào trong cơ quan. Và điều này cũng làm cho mỗi con người trong cỗ máy tòa soạn bị ảnh hưởng không nhỏ từ nếp nghĩ đến cách ăn nói... Áp lực ấy "dội" vào những nữ họa sĩ, biên tập viên theo những cách khác nhau với đặc thù công việc. Những ngày có ca trực cũng là những ngày bữa cơm tối với gia đình được thay bằng bữa ăn vội vàng với đồng nghiệp. Phía trước là con chữ, trang báo, là sự chính xác, là tiến độ... của toàn bộ kíp trực. Thoảng trong bộn bề với công việc, với tất bật chạy đua cùng thời gian ấy, các nữ nhà báo ở tòa soạn là nỗi lo về con cái, gia đình...
Phóng viên Báo Hànộimới cùng lực lượng kiểm lâm mang hàng cứu trợ vào vùng lũ bị chia cắt Hương Sơn, Hà Tĩnh. |
Để có thể cùng tiến về phía trước, từ biên tập viên cấp 1, biên tập viên cấp 2, trưởng kíp, trưởng ban... phải thật sự gắn kết, trong công việc cũng như trong cuộc sống. Những nữ họa sĩ, biên tập viên... của tòa soạn đều hiểu và xác định sự vất vả, lo lắng cá nhân cũng không thể lớn hơn, nằm ngoài sự tất bật, sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong nỗi lo chung của tập thể khi cùng chăm lo cho công đoạn cuối cùng của tờ báo.
Không chịu áp lực nặng nề về cân đối thời gian giữa công việc với chăm sóc gia đình như các nữ biên tập viên, nhưng các phóng viên nữ viết thể loại phóng sự, điều tra cũng phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức khi đi tìm hiểu bản chất mỗi vụ việc, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ bị đe dọa, tấn công... Thế nhưng, công việc buộc các nữ nhà báo phải thực sự dấn thân, bởi không có thực tế, sẽ không thể nắm bắt, hiểu bản chất sự việc, sẽ không tạo nên hồn cốt cho tác phẩm. Không thể mạnh mẽ, xông xáo như các đồng nghiệp nam khi thực hiện những mảng đề tài gai góc, nhưng sự mềm mại của nữ giới đã không ít lần giúp chúng tôi “thoát hiểm”. Nhớ lại chuyến công tác năm ngoái, khi những điểm hút, tập kết cát trái phép trên Sông Hồng ở những huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh... "đốt nóng", chúng tôi vào cuộc. Lần tìm đến các bãi tập kết cát trái phép, nhưng đường vào độc đạo, rất khó xâm nhập để tìm hiểu quy mô, cách thức hoạt động tại bãi. Kiên trì đợi đến giữa trưa, đánh liều phóng xe máy vào con đường lổn nhổn, bụi mù mịt. Dù đã cố tránh nhưng vẫn gặp 2 xe tải lặc lè đi ra, hai anh “tài” nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy soi mói. Đi thêm đoạn nữa, một người đàn ông mặt mũi dữ dằn từ ngôi nhà cũ kỹ bên đường lao ra chặn đầu xe uy hiếp: “Đi đâu vào đây? Muốn gì?”. Sẵn kịch bản, tôi ngơ ngác: “Anh ơi, anh làm ơn chỉ giúp đường ra bến đò với, chúng em muốn sang Đan Phượng”. Người đàn ông cộc lốc: “Nhầm đường rồi!”. Chúng tôi xuống lấy cớ đi vào trong tìm chỗ quay đầu xe... quan sát được ống dẫn cát từ lòng sông lên và nhận thấy quy mô rất lớn của bãi tập kết cát trái phép này. Nhờ vậy, lần sau trở lại với lực lượng chức năng, chúng tôi mới có được tư liệu xác thực cho bài viết.
Nhọc nhằn và vinh quang
Với những người cầm bút, mỗi chuyến đi, mỗi bài báo là một cuộc chiến thầm lặng, chiến đấu với hoàn cảnh, với chính bản thân mình, để ngòi bút luôn trung thực, sắc sảo, phản ánh chân thực cuộc sống và đôi lúc chính mình không ý thức được những nguy hiểm đang rình rập xung quanh. Chuyến đi viết về "điểm nóng" buôn bán ma túy tại xã Hang Kia và Pà Cò của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là một cuộc "dấn thân" như vậy. Sau khi làm việc với Công an tỉnh để lấy tư liệu, chúng tôi quyết định nhắm hướng Hang Kia thẳng tiến, dù đã nhận được cảnh báo không nên xâm nhập vào thời điểm đó. Sương mù dày đặc, đường đèo dốc một bên núi cao, một bên vực sâu, lái xe phải mà "bò" từng mét một. Nhiệt độ ngoài trời mùa đông xuống dưới 9OC mà bác tài vã mồ hôi như tắm. Vào gần tới nơi, nhóm chúng tôi chia thành 3 hướng tác nghiệp, điểm hẹn cuối cùng là nhà đồng chí "công an cắm bản". Nghe chúng tôi kể lại, đồng chí công an thốt lên: "Quá mạo hiểm. Từ quốc lộ 6 vào đây, các anh đi giữa hai làn đạn đấy. Nói để các anh biết, cách đây nửa tháng, xã vận động bà con tự nguyện giao nộp hơn 200 khẩu súng tự chế". Chúng tôi giật mình, tròn mắt nhìn nhau, đúng là …"điếc không sợ súng".
Nhưng chính sau những chuyến đi “bão táp” ấy, chúng tôi học được rất nhiều, trong đó sự chủ động, linh hoạt vượt lên mọi hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ là điều “cốt tử” tạo nên phẩm chất cần có của mỗi người làm báo. Một kinh nghiệm không thể quên, đó là tác nghiệp bằng Facebook trong đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhận chỉ đạo của Ban biên tập, nhóm phóng viên lên đường đi Quảng Bình. Trong 6 ngày liền sau đó, khi thì tác nghiệp ở Lệ Thủy, lúc về Vũng Chùa với khoảng cách hơn 100km nhưng tình cảm yêu kính, tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của Đại tướng đã khiến chúng tôi quên cả mệt. Báo Hànộimới Online hôm đó làm tường thuật trực tiếp, chúng tôi cứ cập nhật thông tin, hình ảnh lễ tang lên Facebook cá nhân qua điện thoại di động để "hậu phương" xử lý. Lễ an táng Đại tướng vừa kết thúc, chúng tôi vội vã rời Vũng Chùa, nhưng không thể chen ra vì dòng người quá đông. Cũng không thể gọi điện thoại được cho lái xe đón, chúng tôi quyết định bắt xe đò về Hà Tĩnh để kịp viết bài cho số báo ngày hôm sau. Chân ướt chân ráo đến khách sạn, tôi điếng người khi phát hiện cả hai cái máy tính xách tay đều để... trên ô tô. May mà cô lễ tân khách sạn cho mượn máy tính. 11h30 đêm, khi anh lái xe của cơ quan "thoát" về tới khách sạn cũng là lúc chúng tôi hoàn thành bài viết, chuyển về tòa soạn...
Sau bao nỗi nhọc nhằn trên hành trình làm báo, chúng tôi thấy mình “được” rất nhiều. Cái “được” ấy là sự đóng góp công sức phản ánh những sự kiện trọng đại của đất nước; là dấu chân phóng viên Báo Hànộimới để lại trên nhiều nẻo đường xa xôi của Tổ quốc, những nơi đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, vất vả. Cái “được” cũng có thể là những giải thưởng lớn từ hội nghề nghiệp, lời động viên, khen ngợi của Ban Biên tập, đồng nghiệp. Nhưng với mỗi người làm báo còn có một tấm "huy chương" - một danh hiệu lớn hơn nữa đến từ độc giả. Đằng sau mỗi bài điều tra, phần thưởng lớn nhất là sự vào cuộc của ngành chức năng; là sự tin tưởng của người dân khi quyền lợi chính đáng của họ được bảo vệ. Báo chí hiện đại không còn là chuyện đơn giản như xảy ra lúc nào, ở đâu, ra sao. Mà hơn thế, phải có sự tổng hợp vấn đề, xâu chuỗi sự việc, trình bày khoa học, đưa ra dự báo, định hướng dư luận để bạn đọc cảm nhận được đầy đủ bản chất thông tin.
Đi, hỏi, đọc, nghĩ, viết... đó là vòng quay liên tục những kỹ năng công việc của một nhà báo. Sự nhọc nhằn thậm chí cả sự nghiệt ngã - cũng chính từ đòi hỏi ngày càng cao của người đọc - luôn mong muốn được đọc những bài báo hay. Để làm được điều đó, năng khiếu bẩm sinh hay tri thức tích lũy được - mới chỉ là yếu tố "cần". Lòng say mê trước nghề nhọc nhằn này - mới chính là yếu tố "đủ" để làm nên sự khác biệt giữa một nhà báo chuyên nghiệp và một cộng tác viên. Chính sự tin yêu đón đợi từng số báo, chính ánh mắt trìu mến ngưỡng mộ của bạn đọc đó mới là khoản "thù lao", là "nhuận bút" lớn nhất trả cho sự "dâng hiến" của mỗi nhà báo. Đó còn là "điểm tựa" quan trọng để chúng tôi tự hào khi dấn thân vào nghề này; và dù có đôi lúc cũng mệt mỏi, bi quan, nhưng vẫn luôn “vịn vào lòng yêu nghề mà đứng dậy”. Vì chúng tôi hiểu, nghề báo cũng như những nghề nghiệp khác, có nhọc nhằn mới có vinh quang, nhưng trên hết, nó phải được thực hiện với tất cả sự nghiêm túc và cẩn trọng bởi những người làm báo trách nhiệm và ý thức được sức mạnh của ngòi bút.