Đổi mới là con đường tất yếu của báo chí hiện đại

Chính trị - Ngày đăng : 15:54, 20/06/2016

Trong xu hướng phát triển, hội nhập hiện nay, báo chí nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh thông tin giữa báo chí chính thống với các loại hình truyền thông khác, khi công nghệ thông tin đang được tận dụng như là phương tiện hữu hiệu để phát triển.

Nhà báo Tô Quang Phán


- Thưa ông, trải qua 91 năm trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội của nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc làm báo đang gặp nhiều khó khăn và báo chí đang phải đối diện với không ít thách thức. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Nói rằng làm báo hiện nay rất khó khăn thì không hẳn. Làm báo với đầy đủ trách nhiệm với quốc gia dân tộc, vì nhân dân, trước kia trong chiến tranh giải phóng dân tộc còn khó khăn hơn rất nhiều. Có nghĩa là, nếu làm báo thực sự theo đúng ý nghĩa của nghề cao quý này thì chưa bao giờ dễ dàng. Bởi lẽ, làm báo đúng lương tâm, trách nhiệm với Tổ quốc, với dân tộc, với xã hội thì là công việc rất nặng nề. Tuy nhiên, ngày nay việc làm báo cũng có những khó khăn mang tính lịch sử. Dù là loại hình nào, dù sử dụng công nghệ nào thì cốt lõi của báo chí vẫn là thông tin và thể hiện quan điểm của mình trước những thông tin đó. Trước đây, khi số lượng báo chí và số nhà báo còn ít, công nghệ còn lạc hậu thì sự cạnh tranh trong việc đưa tin, bình luận, thể hiện quan điểm của báo chí còn ở mức độ vừa phải. Còn hiện nay, với sự bùng nổ của những loại hình báo chí mới, bùng nổ công nghệ mới, xuất hiện ngày càng nhiều loại hình truyền thông như mạng xã hội, báo điện tử, tích hợp truyền thông qua thiết bị cầm tay..., thì sự cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều. Ai lấy được thông tin nhanh hơn và truyền tải nhanh nhất, rộng nhất đến bạn đọc, bạn xem truyền hình, bạn nghe đài thì người đó thắng. Như vậy, những cơ quan báo chí chậm trong khai thác thông tin, kém trong việc truyền tải thông tin, không tích hợp được các loại hình truyền thông, không đầu tư thiết bị công nghệ thì luôn luôn thua. Khi thua thì đương nhiên là ngắc ngoải và vật vờ thôi.

Một khó khăn nữa của báo chí hiện nay là không ít cơ quan báo chí và mạng xã hội có xu hướng đưa tin nhiều chiều, có vẻ như tôn trọng ý kiến cá nhân, nhưng tính định hướng (một chức năng quan trọng của báo chí) bị coi nhẹ. Nếu không có bản lĩnh, không có đủ dũng khí và phông văn hóa chuẩn thì các cơ quan báo chí rất dễ bị lệch chuẩn. Trong bối cảnh đó, việc đưa tin chủ yếu theo quan điểm chủ quan của các nhà báo như trước đây sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Rõ ràng, ngày nay một cơ quan báo chí dù đã có quá trình phát triển nhưng muốn phát triển vượt lên thành một hiện tượng thì rất hiếm. Làm báo bây giờ là cả một quá trình tự đào thải nên cần phải kiên trì, nhẫn nại và phải tự rèn luyện, học tập thường xuyên, và quan trọng nữa là phải đổi mới tư duy làm báo, phải đầu tư công nghệ hiện đại. Dù làm báo trong loại hình báo chí nào thì người làm báo luôn phải có kỹ năng đồng thời cũng phải có vốn sống, bề dày kiến thức văn hóa và bản lĩnh...

- Như vậy, trong thời đại kỹ thuật số hiện nay muốn thu hút được nhiều độc giả để tồn tại phát triển, báo chí phải chịu nhiều áp lực về đổi mới công nghệ cũng như cách làm báo?

- Đúng vậy! Ngày nay công nghệ phát triển rất nhanh, việc áp dụng công nghệ mới sẽ tạo cho báo chí có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Công nghệ thông tin thay đổi rất nhanh, việc tích hợp các loại hình truyền thông luôn tạo điều kiện cho người dân được tham gia làm báo với tư cách người chứng kiến sự kiện và đưa tin nhanh nhất. Như vậy, nhà báo không còn vị thế độc quyền đưa tin nữa. Khi áp dụng công nghệ mới thì có thể ngồi bất cứ nơi nào cũng làm báo được, từ trụ sở ra tới hiện trường, ở rừng núi hay hải đảo... Với sự tích hợp đa dạng công nghệ truyền thông như hiện nay thì thông tin nhanh có thể cập nhập hàng phút trên báo điện tử, mạng xã hội, qua các hình thức khác nhau để có thể đọc được trên mobile, smartphone và các thiết bị cầm tay khác mà không phải đi tìm mua báo giấy, chờ có màn hình ti vi mới xem được. Do tính tương tác và tích hợp rất cao của công nghệ nên buộc các cơ quan báo chí phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để vươn lên, nếu không sẽ lạc hậu và mất đối tượng phục vụ. Nói như thế để thấy rằng, đổi mới là con đường bắt buộc và tất yếu của báo chí hiện đại.

- Với việc phát triển của công nghệ hiện nay, nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ thông tin của bạn đọc, bạn xem truyền hình, bạn nghe đài là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, công nghệ phát triển đã làm thay đổi cách tiếp cận và cách hưởng thụ thông tin của con người. Ví dụ, bạn đọc không phải đi đâu mua báo mà có thể xem được tất cả mọi thông tin trên smartphone như video, clip, âm thanh, báo đọc, truyền hình; hoặc trên màn hình tivi vẫn có thể truy cập internet, facebook, youtube... Những công nghệ truyền thông mới hiện nay đã xâm nhập vào mọi nơi, kể cả trong phòng ngủ. Cách xem truyền hình truyền thống hiện nay cũng thay đổi, không còn cảnh ngồi một chỗ cố định, dán mặt vào màn hình và nhà đài cho "ăn" cái gì cũng phải cố mà "hưởng". Ngày nay, người ta có thể xem truyền hình ở mọi nơi, bằng đủ phương tiện khác nhau. Với số lượng các kênh truyền hình quá nhiều, nếu thấy không hay, không hấp dẫn thì người ta sẽ nhanh chóng bỏ qua để tìm kênh khác. Không có cơ quan báo chí nào có thể áp đặt sự lựa chọn của bạn đọc, bạn xem truyền hình, bạn nghe đài. Với báo in cũng không tránh khỏi sự lựa chọn khắc nghiệt đó. Báo in đang bị thu hẹp với số lượng ngày càng ít đi.

- Theo ông, để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc cũng như khán giả, thính giả, các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo cần phải đổi mới như thế nào?

- Theo tôi, việc đổi mới hiện nay của các cơ quan báo chí có mấy vấn đề. Một là phải đầu tư công nghệ hiện đại - việc này không dễ dàng vì phải có tiền mới mua được công nghệ mới áp dụng vào quy trình sản xuất báo chí. Có công nghệ mới thì phải nâng cao chất lượng đưa tin, đưa tin nhanh đến người dân. Hai là thay đổi tư duy làm báo theo hướng hiện đại, thông tin phải nhanh, nhiều chiều chứ không áp đặt kiểu "ấn" thông tin vào tay người khác bằng ý chí chủ quan. Tuy vậy, dù thay đổi tư duy làm báo thì vẫn phải trở lại những nguyên tắc cơ bản của báo chí là đưa tin cái gì, đưa tin cho ai, đưa tin vì mục đích gì. Do đó phải đưa tin chính xác, trung thực, và quan điểm phải chuẩn mực vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng. Ba là phải tăng cường đổi mới cách làm báo nhằm thu hút quảng cáo, tăng nguồn thu để chi phí cho hoạt động báo chí. Bốn là phải đào tạo mới, đào tạo lại và chọn lọc các nhà báo có tâm, có tầm. Hiện nay đang ngày càng xuất hiện nhiều "con sâu" làm mất uy tín các cơ quan báo chí. Theo tôi, đây là 4 vấn đề quan trọng trong quá trình đổi mới báo chí trong tình cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Nếu cơ quan báo chí nào không làm tốt 4 vấn đề này thì sẽ bị thua cuộc.

- Để tạo điều kiện cho báo chí phát triển thuận lợi, đúng định hướng thì quy hoạch và thực hiện quy hoạch báo chí là yêu cầu tất yếu. Quan điểm của ông về việc quy hoạch như thế nào để nâng cao chất lượng thông tin cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, cụ thể là đối với các cơ quan báo chí Hà Nội?

- Hiện nay, các bộ, ngành, tỉnh, thành đã có quy hoạch báo chí theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo quan điểm của tôi, trong quy hoạch báo chí nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho những cơ quan báo chí có tiềm lực về nhiều mặt, những cơ quan báo chí chủ chốt có khả năng chi phối về định hướng phát triển, có khả năng giữ nhịp thông tin ở khu vực hoặc quốc gia. Với Hà Nội cũng vậy. Hiện nay thành phố đang tiến hành quy hoạch báo chí. Tôi cho rằng phương án của thành phố rất hợp lý. Những cơ quan báo chí lỗ triền miên, không thu hút được độc giả không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường báo chí mà hiện đang lắt lay, thì nên giải thể hoặc sáp nhập.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

Ánh Vương