Mong muốn báo chí đi tiên phong đóng góp xây dựng Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 07:04, 20/06/2016

(HNM) - Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trò chuyện thẳng thắn, chân tình...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nghe lãnh đạo Báo Hànộimới giới thiệu về mô hình tòa soạn điện tử. Ảnh: Viết Thành


Kênh thông tin không thể thiếu

- Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới. Đầu tiên xin đồng chí có thể cho biết đánh giá của mình về vai trò, vị trí của báo chí nói chung và báo chí Hà Nội nói riêng?

- Đồng chí Hoàng Trung Hải: Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; cũng vì vậy, thành phố thường xuyên dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động và sự phát triển của các cơ quan báo chí. Thành ủy giao cho Ban Tuyên giáo Thành ủy hằng tuần duy trì đều đặn, không ngừng nâng cao hiệu quả giao ban thông tin với các cơ quan báo chí về việc triển khai các nhiệm vụ của thành phố; đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành chủ động cung cấp thông tin kịp thời, tăng cường trao đổi, đối thoại, tạo điều kiện để báo chí phản ánh ngày càng kịp thời, toàn diện, tuyên truyền hiệu quả các mặt hoạt động của đời sống chính trị - xã hội Thủ đô.

Hằng ngày, cá nhân tôi và các đồng chí lãnh đạo thành phố luôn dành nhiều thời gian để đọc báo. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy hằng ngày, hằng tuần đều tổng hợp các thông tin báo nêu, cung cấp cho lãnh đạo thành phố để kịp thời chỉ đạo, xử lý những thông tin báo chí phản ánh. Có thể nói, báo chí là kênh thông tin không thể thiếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố. Nhân đây, thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin chân thành cảm ơn báo chí cả nước đã dành sự quan tâm sâu sắc, thông tin kịp thời, góp phần to lớn vào thành tựu chung, rất đáng tự hào của Thủ đô những năm qua. Xin gửi tới các đồng chí, những người làm báo cách mạng Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Với 24 cơ quan báo chí (gồm 13 báo in, 10 tạp chí và Đài PT-TH Hà Nội với 40 ấn phẩm), trong đó có những cơ quan báo chí giàu truyền thống, có uy tín, có tầm ảnh hưởng không chỉ ở địa bàn thành phố, báo chí Hà Nội là bộ phận không thể thiếu trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Không chỉ riêng lãnh đạo thành phố, các cơ quan trung ương, nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông đánh giá rất cao vai trò, vị trí cũng như đóng góp của báo chí Thủ đô trong những năm qua. Báo chí Thủ đô đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, thái độ tác phong ngày càng chuẩn mực. Nhiều cơ quan báo chí Hà Nội dù gặp những khó khăn, nhưng vẫn luôn đặt nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu, cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất. Những đóng góp của báo chí Hà Nội cho thành công trên nhiều phương diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên và các sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô như tổ chức đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Đại hội XII của Đảng và mới đây nhất là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là những minh chứng cụ thể.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, báo chí Thủ đô cần cố gắng nhiều hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để bắt kịp xu thế phát triển của báo chí nói chung; trước hết là để chủ động vượt qua khó khăn thử thách, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của người đọc, người xem, cạnh tranh thông tin hiệu quả; đóng góp ngày càng cụ thể, ngày càng lớn hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố.

- Nhiệm vụ chính trị của Thủ đô đặt ra trong nhiệm kỳ 2015-2020 rất lớn. Đồng chí mong muốn báo chí tham gia như thế nào trong quá trình thực hiện?

- Đồng chí Hoàng Trung Hải: Thủ đô Hà Nội đang đứng trước giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với Hà Nội cũng rất lớn. Đơn cử, với tốc độ tăng dân số 2,4% (khoảng 200.000 người), tương đương với mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm một huyện. Sức ép dân số, cùng với sức ép phải đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, bệnh viện, nước sạch… ngày càng gia tăng. Chưa kể, hiện Hà Nội vẫn còn 70.000 hộ nghèo, 13 thôn đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, làm sao để xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là thách thức lớn đối với thành phố.

Hà Nội đang nỗ lực hết sức, tính toán khoa học, huy động mọi nguồn lực để thực hiện thành công 8 chương trình công tác toàn khóa, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra. Những nỗ lực này sẽ không thể dẫn đến thành công nếu không có sự đồng thuận, góp sức của dư luận, của nhân dân. Tôi mong rằng, các cơ quan báo chí, trước hết là cơ quan báo chí Hà Nội sẽ đồng hành cùng với thành phố củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận xã hội. Tôi cũng tha thiết đề nghị các cơ quan báo chí trung ương, đồng thời yêu cầu báo chí Hà Nội hãy trở thành những đơn vị tiên phong trong xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trước hết là từ nội bộ mỗi cơ quan báo chí.

Khai thác tốt nguồn lực tri thức to lớn

- Trong dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng với việc tổ chức gặp gỡ, chúc mừng báo giới, trực tiếp Bí thư Thành ủy cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố đã dành hai buổi đối thoại, tiếp thu ý kiến, đề xuất của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, bí thư, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng... Xin đồng chí cho biết rõ hơn mục đích của hoạt động này?

- Đồng chí Hoàng Trung Hải: Trong mỗi bước trưởng thành và thành tựu đạt được của Thủ đô trong 30 năm đổi mới, luôn có sự đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, các nhà giáo, nhà khoa học và các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, như tất cả chúng ta đều biết, đội ngũ trí thức của đất nước hay nói cách khác là tinh hoa trí tuệ quốc gia đang tập trung phần lớn ở Thủ đô. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá mà chúng ta chưa khai thác, chưa tận dụng, phát huy được một cách thực sự hiệu quả.

Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa và tri thức sẽ là nền tảng quan trọng giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ và bền vững. Do đó, ngay đầu nhiệm kỳ, thành phố đã tổ chức các cuộc gặp gỡ đối thoại như vậy. Trước hết là để nghe các văn nghệ sĩ, trí thức, bí thư, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng góp ý giúp thành phố hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, thành phố muốn truyền đi thông điệp rằng, thành phố rất coi trọng và mong muốn được hợp tác, được đối thoại, được tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, bí thư, hiệu trưởng các trường... đặc biệt là cùng bắt tay giải quyết những vấn đề mà quá trình phát triển đang đặt ra, người dân đang cần.

Quan điểm của thành phố rất rõ, trước mỗi vấn đề đặt ra, triển khai vì sự phát triển của Thủ đô phải tiếp cận thông tin nhiều chiều, sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện có tính xây dựng. Vì nếu ngại tiếp xúc, không chịu tiếp thu ý kiến phản biện của báo chí, của đội ngũ trí thức rất dễ rơi vào “bẫy” quan liêu.

- Xin đồng chí đánh giá về kết quả hai buổi gặp gỡ, đối thoại rất có ý nghĩa này?

- Đồng chí Hoàng Trung Hải: Hai buổi đối thoại đã được thành phố quan tâm lên kế hoạch thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ. Điều này cho thấy rằng, thành phố đặc biệt coi trọng, quan tâm và mong muốn đội ngũ trí thức, trong đó có các cán bộ, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí tham gia, đồng hành cùng thành phố trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô. Qua hai cuộc đối thoại, có thể thấy rõ, các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học, bí thư, hiệu trưởng các trường... với tình yêu Hà Nội luôn đau đáu trước những vấn đề khó khăn, thách thức đang đặt ra với Thủ đô. Ai cũng mong muốn được góp sức xây dựng Thủ đô.

Điều đáng mừng hơn nữa là qua các cuộc đối thoại, chúng ta thấy rõ hơn tiềm năng hợp tác, phối hợp là rất lớn. Thời gian qua, thành phố và các viện, các trường, các cơ quan, đơn vị đã hợp tác, phối hợp, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Các cuộc gặp gỡ, đối thoại còn chỉ ra những giải pháp đồng bộ, thiết thực để đẩy mạnh hợp tác, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới. Ngay sau hai cuộc gặp, Thành ủy đã giao nhiệm vụ cho Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát và làm việc cụ thể với các viện, các trường để tiến hành hợp tác trên những lĩnh vực, công việc cụ thể.

- Báo chí phản ánh rằng, lãnh đạo thành phố rất cởi mở. Nhưng ở nhiều cấp, nhiều ngành việc cán bộ né tránh, từ chối tiếp xúc với báo chí vẫn diễn ra. Tương tự, một số đại biểu trí thức cũng phản ánh, làm việc với lãnh đạo cấp thành phố thì thuận lợi, thông thoáng, nhưng càng xuống dưới sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường càng khó khăn. Xin đồng chí cho biết ý kiến?

- Đồng chí Hoàng Trung Hải: Quan điểm của thành phố là để phát triển phải thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Muốn thế phải quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, trước hết là tập trung xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả. Nhưng để làm được điều đó, phải thay đổi tư duy để thấm vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Thủ đô Hà Nội. Những ý kiến của báo chí, của đại biểu trí thức cũng là vấn đề thành phố hết sức quan tâm và đang từng bước giải quyết bằng các biện pháp cụ thể, căn cơ. Cải cách hành chính là nhiệm vụ số một của thành phố hiện nay. Chúng tôi xác định cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tham gia cải cách hành chính. Thành phố sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh các cơ quan công quyền còn có những biểu hiện thiếu chuẩn mực, gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực... Chúng tôi mong muốn báo chí, cùng với đội ngũ trí thức, mỗi người dân Thủ đô cùng tham gia giám sát, phát hiện những việc làm chưa hay, chưa đẹp, những hành vi tiêu cực trong các cơ quan công quyền.

Thành phố đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị không được né tránh việc tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí, làm sao để báo chí tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, tham gia vào mọi mặt hoạt động của xã hội để có sự phản ánh khách quan, trung thực nhất. Mặt khác, báo chí nói chung, trước hết là báo chí Hà Nội, đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí cũng phải tự xem lại mình để làm rõ vì sao người ta né tránh mình, có phải chăng mình chưa tiếp cận đúng cách, chưa đến với tâm thế và tinh thần xây dựng, với ý thức trách nhiệm xã hội. Như tôi đã đề nghị khi trò chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới, các bạn phải nâng cao chất lượng tác nghiệp, đề cao tinh thần xây dựng, ý thức trách nhiệm, ứng xử theo đúng chuẩn mực, làm sao để phê bình một cách “tâm phục, khẩu phục”. Làm việc với tâm thế như vậy, tôi tin, báo chí nói riêng cũng như đội ngũ trí thức nói chung sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đồng hành cùng thành phố vượt qua những thách thức đang đặt ra, xây dựng Thủ đô xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Hà