Phòng chống cháy rừng khi nắng nóng

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 20/06/2016

(HNM) - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong những ngày tới nắng nóng vẫn tiếp tục xảy ra trên diện rộng, nên còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.


Từ đầu tháng 6-2016 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy lớp thực bì dưới tán rừng. Vụ cháy thứ nhất vào ngày 3-6, tại lô 10.3 khoảnh 12, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn làm cháy gần 0,1ha thực bì dưới tán rừng. Nguyên nhân là do cháy rừng lan từ huyện Phổ Yên của TP Thái Nguyên sang. Chỉ hai ngày sau, ngày 5-6, trên địa bàn huyện Sóc Sơn tiếp tục xảy ra vụ cháy rừng thứ 2 tại lô 7.3 khoảnh 13 thuộc xã Nam Sơn. Ngọn lửa đã được lực lượng chức năng dập tắt sau 30 phút nhưng đã làm thiệt hại khoảng 300m2 thực bì của rừng thông.

Lực lượng kiểm lâm Sóc Sơn triển khai phương án bảo vệ rừng. Ảnh: Bá Hoạt


Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội (đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 1.800ha rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn) cho biết: Nắng nóng khiến nguy cơ cháy rừng cao, tốc độ lan lửa nhanh. Huyện Sóc Sơn lại thường xuyên bị cháy rừng do cháy lan từ các xã giáp ranh với các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên do bà con đốt nương, làm rẫy.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ cháy rừng. Tuy diện tích cháy rừng không lớn và đều được dập tắt kịp thời nhưng cũng đã làm thiệt hại hơn 2ha rừng. Đáng ngại hơn, nếu không được phát hiện và dập tắt kịp thời, cháy rừng sẽ lan rộng và ảnh hưởng lớn đối với tài nguyên rừng của Thủ đô. Theo ông Lê Quang Tiến, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, cao điểm diễn ra cháy rừng thường tập trung vào các tháng mùa khô hanh (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), tuy nhiên những ngày nắng nóng gay gắt như vừa qua cũng gây nguy cơ cháy rừng cao.

Để chủ động phòng ngừa, ngày 14-6-2016, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có công văn yêu cầu các hạt kiểm lâm: Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Trạm quan sát dự báo phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) Ba Vì tham mưu cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR. Đồng thời, yêu cầu cấp cơ sở thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Các hạt kiểm lâm cần tham mưu, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho chủ rừng, cộng đồng dân cư tại nơi có rừng nhận thức được nguy cơ cháy rừng cao trong điều kiện nắng nóng bất thường kéo dài, đồng thời, chủ động phòng ngừa và sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Đối với các trạm kiểm lâm cần bám sát địa bàn, thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tuần tra phát hiện việc sử dụng lửa trái phép trong rừng để phát hiện kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời bảo dưỡng duy tu các phương tiện PCCCR, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu. Các hạt kiểm lâm tổ chức phân công cán bộ thường trực PCCCR, sẵn sàng cơ động tham gia chữa cháy và nhận nhiệm vụ liên quan khi có lệnh điều động của Chi cục.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc PCCCR, Sở NN&PTNT thành phố đang tích cực triển khai các dự án, đề án: Tuyên truyền, tập huấn và xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong PCCCR trên địa bàn thành phố. Sở đã mở hàng chục lớp tập huấn, diễn tập kỹ năng cho cán bộ xã, thôn về PCCCR; cách sử dụng các phương tiện trong PCCCR, các quy định của pháp luật và quy ước về bảo vệ rừng.

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chi cục Kiểm lâm lưu ý: Nguyên nhân gây ra cháy rừng chủ yếu là do con người. Thực tế, nhận thức, kiến thức và tập quán sử dụng lửa của người dân trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất ở khu vực có rừng là yếu tố khiến nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, Chi cục thường xuyên tuyên truyền để cán bộ, nhân dân các xã có rừng không dùng lửa bừa bãi (hút thuốc, hun chuột, bắt ong, đốt nương rẫy, dọn bờ ruộng, dọn đường giao thông…) ở những khu rừng dễ cháy, những nơi có nhiều thảm mục, than bùn, trảng cỏ, cây bụi, lau sậy. Đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương tích cực kiểm tra các khu rừng dễ cháy, đặc biệt những khu rừng sau khai thác, nơi đông dân cư sinh sống và đi lại. Trong trường hợp để xảy ra cháy rừng, các địa phương cần chủ động ứng phó bằng các phương án: Xây dựng đường băng cản lửa; hồ chứa nước, huy động nhanh chóng lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời không để lửa lan tràn, hạn chế và chấm dứt thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Minh Phú