Đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội: Các trường ĐH-CĐ hiến kế và mong "đơn đặt hàng"

Chính trị - Ngày đăng : 08:52, 18/06/2016

(HNMO) - Sáng 18/6, Thành uỷ Hà Nội đã trang trọng tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với các trường đại học, cao đẳng (ĐH -CĐ) trên địa bàn Hà Nội.

Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc buổi đối thoại. Ảnh: Viết Thành


Đến dự và chủ trì có đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cùng trên 100 đại biểu là lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, hệ thống các viện, học viện, trường ĐH, CĐ trên địa bàn Thành phố có vai trò quan trọng, là nguồn lực, nguồn tài sản quý giá trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển của đất nước, của Thủ đô.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đề ra mục tiêu xây dựng Thủ đô phải thực sự tiêu biểu về văn hóa, đạt trình độ cao về trí tuệ; do đó, luôn xác định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ luôn đánh giá cao vai trò và trân trọng sự đóng góp của các học viện, trường ĐH, CĐ trên địa bàn và đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên các nhà trường đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Từ hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, các viện, trường đã đóng góp với Thủ đô nhiều đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ có giá trị. Trong đó, nhiều sáng kiến, kết quả công trình nghiên cứu được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, đem lại hiệu quả cao trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần từng bước phát triển kinh tế tri thức ở Thủ đô.

Thành phố ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ của đội ngũ trí thức từ các học viện, trường ĐH, CĐ trên địa bàn, trước hết là từ các đồng chí bí thư, hiệu trưởng vào những định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nhất là trong chặng đường 30 năm đổi mới.

Với tinh thần thực sự cầu thị, vì mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững, trong buổi gặp mặt, lãnh đạo Thành phố trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đồng chí bí thư, hiệu trưởng các học viện, trường ĐH, CĐ, nhất là về những sáng kiến, giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Thủ đô trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế tri thức, hình thành thị trường khoa học - công nghệ; phát triển các vườn ươm công nghệ để ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật vào thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn Thủ đô (du lịch, dịch vụ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch,…); cải cách hành chính; quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường (làm sống lại các con sông, giải quyết ô nhiễm các hồ, xử lý rác thải...) vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; việc ươm mầm khởi nghiệp từ trong các nhà trường; cơ chế phối hợp, gắn kết giữa các học viện, trường ĐH, CĐ trên địa bàn với Thành phố;…

Lãnh đạo Thành phố cũng mong muốn sẽ thường xuyên nhận được sự quan tâm đóng góp, tham gia ý kiến chân tình, thẳng thắn của các đồng chí, để công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên mỗi lĩnh vực công tác của Thành phố có tính khả thi, thiết thực và đạt hiệu quả cao nhất.

Tiếp đó, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP thông tin tóm tắt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn 5 năm 2016- 2020.

Đồng chí Vũ Tuấn Dũng, Bí thư Đảng uý khối các trường ĐH - CĐ Hà Nội


Báo cáo về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội giai đoạn 2010-2015, đồng chí Vũ Tuấn Dũng, Bí thư Đảng uỷ khối các trường ĐH - CĐ Hà Nội cho biết, hiện nay Đảng bộ có 67 tổ chức cơ sở đảng với 14.750 đảng viên với trên 1.000 giáo sư và phó giáo sư; 3.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; hơn 8.000 thạc sĩ; gần 11.000 cử nhân, kỹ sư và tương đương..

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội: Hãy "bóc lột" chúng tôi nhiều hơn nữa!

Trong phần lớn thời gian của buổi đối thoại, Hội nghị đã nghe 16 ý kiến đóng góp, phát biểu của các bí thư, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ.

Qua giới thiệu thế mạnh của trường mình, lãnh đạo các trường đề xuất những lĩnh vực cụ thể có thể đóng góp cho Thủ đô trong quy hoạch, quản lý đô thị; phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo phát triển công nghệ; phát triển nông lâm nghiệp, nâng cao đời sống nông dân...

Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém đang tồn tại trong một số lĩnh vực của Thủ đô hiện nay và phân tích làm rõ nguyên nhân. Là đại biểu đầu tiên phát biểu ý kiến, GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội thẳng thắn cho rằng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố với các nhà khoa học, các trường CĐ, ĐH hiện nay chưa "gặp" được nhau. Các yếu tố phát triển kinh tế tri thức được Thành phố nêu ra chưa rõ ràng.

GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội


"Cảm giác qua 30 năm đổi mới, Hà Nội có nhiều khách sạn, nhà hàng nhưng nhìn lại chưa xây dựng được trường ĐH nào mới, to đẹp, đàng hoàng, chưa vượt qua được những trường ĐH khác xây dựng từ thế kỷ trước như ĐH Bách Khoa" -GS Đức nêu cảm nhận.

Thời gian qua, ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị duy nhất có ký kết với Thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động tích cực, có hiệu quả. Do đó, GS Đức mong muốn sự hợp tác sẽ bước sang giai đoạn 2 với nhiều nội dung cụ thể. Trường đã có chương trình đào tạo nâng cao cán bộ quản lý thuộc diện Thành uỷ quản lý, cán bộ cấp sở ngành. Sắp tới, nếu Thành phố cần, Trường có thể có chương trình bồi dưỡng cán bộ cấp xã, phường hoặc mở ra nhiều ngành nghề đào tạo mới, góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Dưới góc độ chuyên môn của mình, PGS. TS Phạm Duy Hoà, Bí thư, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng đã nêu những mặt chưa làm được trong quản lý, quy hoạch đô thị của Hà Nội hiện nay như hiệu quả khai thác các công trình hạ tầng làm ra còn thấp, không xứng với quy mô; dự án này làm giảm tính tích cực của dự án khác; có những công trình chỉ ở Việt Nam mới có hoặc cứ mưa to lại ngập ở các khu đô thị mới... Một phần nguyên nhân của những vấn đề nổi cộm trên xuất phát từ dịch vụ tư vấn kỹ thuật. Và để giải quyết căn bản nên bắt đầu thay đổi từ cơ chế quản lý đô thị.

PGS. TS Phạm Duy Hoà, Bí thư, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng


PGS TS Đào Văn Đông, Bí thư, Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp với Hà Nội là xây dựng xa lộ thông tin thay vì xây dựng xa lộ giao thông như hiện nay. Theo ông, đây là giải pháp có chi phí thấp nhưng bảo đảm tính văn minh tất yếu cho phát triển đô thị bền vững. Bởi khi triển khai các dịch vụ công trực tuyến, người dân không còn nhu cầu tham gia giao thông, sẽ giảm thiểu ách tắc. Tuy nhiên, muốn làm được vậy cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, sự hy sinh của cơ quan công quyền và tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen của người dân.

"Suy thoái kinh tế thì có thể 5 đến 7 năm sẽ bị phục hồi nhưng xói mòn đạo đức, lối sống thì hàng trăm năm khó phục hồi" - đưa ra quan điểm như vậy nên GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kiến nghị lãnh đạo Thành phố nên chú trọng phát triển đạo đức, tư tưởng, lối sống cho sinh viên. Theo ông, với số lượng sinh viên các tỉnh thành khác về Hà Nội đông, việc giáo dục nếp sống văn minh đô thị phải đặt ra đầu tiên, trước khi làm những việc khác.

Trường ĐH Sư phạm đề xuất tham gia cung cấp nguồn nhân lực, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp; mở rộng các trường thực hành, giúp sinh viên có môi trường thực tập, tạo chuyển biến tốt trong giáo dục...

Gây ấn tượng tại buổi làm việc với đề xuất "Hãy "bóc lột" chúng tôi nhiều hơn nữa", PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng lãnh đạo nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố hiện nay đang là cán bộ của Trường. Nếu Thành phố sử dụng các giáo sư, phó giáo sư của trường để có đội ngũ nhân lực mạnh, thực hiện kỹ thuật tốt, cùng với sự đầu tư của Thành phố thì chắc chắc sẽ nâng vị thế các bệnh viện của Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội 


PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cũng nêu cảm giác của bản thân khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao thì rất phấn chấn vì được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng càng xuống cấp dưới thì càng nản hơn, khó khăn hơn.

GS. TSKH Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng ĐH Hà Nội bày tỏ cảm nhận được không khí đề xuất, "xin việc" của lãnh đạo các trường CĐ, ĐH trong buổi làm việc. Ông mong muốn Thành phố sẽ mang đơn đặt hàng đến các trường, giữ các trường như giữ... làng nghề để mỗi trường mỗi thế mạnh, cùng Hà Nội phát triển.

Một số ý kiến kiến nghị Hà Nội nên có quy hoạch đô thị cho các trường ĐH. Và trong khi các địa phương khác như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam đều "trải thảm đỏ" với nhiều chính sách hỗ trợ thì Hà Nội lại chưa có chính sách rõ ràng để hỗ trợ phát triển các trường ĐH.

Cuối buổi làm việc, PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH KHXH và NV nêu lên ý kiến được khá nhiều đại biểu và lãnh đạo TP đồng tình.

" Có cảm giác chúng ta đặt Hà Nội bị biệt lập không có liên quan đến khu vực và thế giới, không nhìn Hà Nội trong tương quan với các nước trong Asean và thế giới; không chú ý đến vấn đề quốc tế hoá các trường ĐH và Thủ đô Hà Nội phải chú ý thu hút các nhà khoa học, sinh viên các nước trong khu vực và thế giới tới học ở Hà Nội, ở Việt Nam

Không trường ĐH nào trên thế giới lại không muốn có nguồn lực từ nước ngoài. Do đó, chúng tôi mong muốn, khẩn thiết đề nghị Hà Nọi tạo điều kiện thuận lợi, cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài, các nhà khoa học đến học tập tại các trường Đại học trong nước. Riêng ĐH Quốc gia Hà Nội, xin làm một địa chỉ tin cậy với ngành đào tạo Việt Nam học, là nơi phù hợp cho sinh viên các nước đến học" - PGS.TS Phạm Quang Minh nêu.

Thành phố sẵn sàng "đặt hàng"

Ghi nhận ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ ra các nguyên nhân khiến nguồn lực lớn từ đội ngũ các nhà khoa học tại các viện, trường chưa được tận dụng như toàn bộ tiềm năng, nguồn lực của các trường, viện nghiên cứu chưa được kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp và các dự án trên địa bàn Thành phố. Thông tin từ hai phía chưa được khơi thông và chưa có bộ phận kết nối thông tin.

"Toàn bộ nguồn lực, chất xám các viện, trường chưa được lãnh đạo trường quan tâm, chủ động tung ra thị trường mà còn đang bị "giấu" khiến người quản lý chưa biết hết tiềm năng các viện, các trường" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu.

Về phía TP cũng chưa tạo ra sân chơi, khu vực để tất cả các học sinh, sinh viên nhà khoa học, các viện, trường có sự kết nối với các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu nhiều thông tin về kế hoạch cụ thể của TP trong quản lý đô thị, quy hoạch giao thông, cải tạo chung cư cũ, trồng cây xanh.. với mong muốn sẵn sàng "đặt hàng" từ các nhà khoa học, các viện, trường.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo các viện, trường nghiên cứu đào tạo cán bộ quản lý cấp quận, phường, sở, ban, ngành với nhiều cơ chế đặc thù của Thủ đô.

Tiếp thu  ý kiến đóng góp của các đại biểu về vấn đề cấp thiết trong cải cách hành chính hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định Thành phố đang làm quyết liệt, sẽ sắp xếp lại bộ máy ở các sở, ngành trên tinh thần thu gọn lại để hoạt động hiệu quả hơn, sớm đưa toàn bộ thủ tục đăng ký doanh nghiệp lên môi trường mạng và xử lý trong ngày...

Phát biểu bế mạc buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải bày tỏ xúc động được lắng nghe những ý kiến phát biểu, thảo luận đầy tâm huyết, nhiệt tình, xuất phát từ tình yêu với Hà Nội của bí thư, hiệu trưởng các học viện, trường ĐH, CĐ trên địa bàn Thành phố.  

Bí thư Thành uỷ đề nghị các trường tiếp tục thực hiện tốt chương trình cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng sinh viên, năng lực cạnh tranh của trường, sinh viên của mình; phối hợp với Thành phố làm tốt công tác quản lý sinh viên

Hà Nội cũng phải nghĩ đến việc trở thành trung tâm, thu hút sinh viên từ các quốc gia khác và sẽ quyết liệt hơn cùng các trường nâng cao khả năng liên kết giữa với các doanh nghiệp của Thành phố

Về vấn đề sắp xếp và di dời, Hà Nội mong muốn không phát triển mới các trường học trong trung tâm. Với các trường trong đô thị, Thành phố hoàn toàn ủng hộ việc các trường xin cấp đất xây dựng cơ sở 2

"Thành phố hứa bảo đảm môi trường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thật tốt, đạt mục tiêu an bình, xanh, sạch đẹp; thực hiện mạnh đột phá về cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư thiết chế về văn hoá, giáo dục, dịch vụ chất lượng cao, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính quyền điện tử minh bạch, thân thiện, hiệu quả" - Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Đồng chí cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành làm việc với các trường để cố gắng mỗi trường, mỗi nhóm trường làm một việc thiết thực, hiệu quả cho Hà Nội, đưa khoa học công nghệ, ý tưởng sáng tạo vào cuộc sống.

Bảo Hân - Anh Thư