Tầm nhìn quyết định tương lai đô thị

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:59, 18/06/2016

(HNM) - Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, nhất là khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Đặc biệt, công tác quy hoạch trong thời gian này rất được coi trọng.


Thành ủy đã ban hành Chương trình 06 về "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị TP Hà Nội, giai đoạn 2011-2015" và công tác quy hoạch giai đoạn này đã được triển khai đồng bộ, tổng thể trên diện rộng, gắn với việc hoạch định các không gian phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là lần đầu một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch được triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị; các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đã được triển khai phục vụ công tác quản lý…

Tuy nhiên, nhìn tổng thể công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn trong khoảng 10 năm trở lại đây vẫn còn nhiều "điểm nghẽn". Nhiều câu hỏi như: Tại sao nhiều khu vực đô thị mới được quy hoạch nhưng tình trạng ngập lụt, hạ tầng "cọc cạch", thiếu khớp nối giữa các phân khu vẫn xảy ra thường xuyên; nhà "siêu mỏng, siêu méo" ngang nhiên tồn tại trên nhiều tuyến phố mới mở; điệp khúc "đào - lấp" ở nhiều tuyến phố vừa được chỉnh trang gây lãng phí… vẫn tái diễn.

Nhiều khu đô thị mới quy hoạch lúc đầu hướng đến đô thị xanh, mật độ xây dựng theo chuẩn quốc tế nhưng chỉ sau vài lần điều chỉnh theo "đề nghị" của chủ đầu tư đã không còn nhiều công trình công cộng, thay vào đó là sự gia tăng nhanh chóng về mật độ dân cư…

Điều đó cho thấy, công tác quản lý quy hoạch đô thị thời gian qua chưa được làm tốt, đặc biệt là sự thông suốt chủ trương từ thành phố xuống cơ sở vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.

Với một đô thị như Hà Nội, việc xây dựng một quy hoạch đô thị có tầm nhìn xa đã khó, việc rà soát và quản lý quy hoạch thật chặt chẽ, tránh để xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch còn khó khăn hơn. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội thời gian tới là công tác quy hoạch ngoài bám Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 còn phải bám sát Quy hoạch vùng Thủ đô, từ đó có tầm nhìn rộng hơn, nhất là phải khơi thông các dòng sông vành đai như Sông Đáy, Sông Nhuệ, Sông Tích và định hướng xây dựng đô thị xanh.

Để hiện thực hóa chủ trương này, thành phố nên ban hành những chính sách khuyến khích cụ thể đối với các dự án, công trình theo xu hướng trên. Mặt khác, muốn giải quyết những tồn tại lớn thì việc đầu tiên phải chọn một đội ngũ "có Tâm, có Tầm", có kỹ năng thực thi nhiệm vụ, tuyệt đối không tiêu cực. Và trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, tránh chồng chéo và đặc biệt là nâng cao trách nhiệm cá nhân hơn nữa.

Việc quy hoạch theo hướng đô thị xanh, mang đặc thù của Hà Nội không chỉ cần những chính sách, quy hoạch ở tầm vĩ mô mà còn rất cần những sáng kiến cụ thể, phù hợp của người dân. Nhưng muốn có sự ủng hộ thì việc cần làm đầu tiên là những quy hoạch cần được xây dựng trên cơ sở khoa học, có sự tham vấn của các cơ quan chuyên môn và khi thực thi cần có sự giám sát của xã hội.

Thành phố rất cần sự đồng lòng, chung sức để nâng cao vị thế Thủ đô, phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đỗ Quỳnh Chi