Để khoa học cơ bản gần cuộc sống
Công nghệ - Ngày đăng : 07:12, 17/06/2016
Từ nhận thức đến hành động
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ: "Làm khoa học rất khó có thể nhìn thấy các lợi ích một cách nhanh chóng". Ông khẳng định, nền kinh tế phát triển bao giờ cũng đi đôi với sự phát triển của sự "hiểu biết", trong đó có phần đóng góp quan trọng của khoa học cơ bản. Chính vì vậy, mục đích của sự kiện Gặp gỡ Việt Nam năm nay là đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước Châu Á nói chung và đặc biệt là các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của đất nước. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trong nước tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển xã hội.
Ứng dụng khoa học cơ bản trong lĩnh vực y tế di truyền học. Ảnh: Bá Hoạt |
Từ một nghiên cứu điều chế tinh chất có tác dụng chống ung thư từ củ nghệ nhờ công nghệ nano xuất phát từ Chương trình Gặp gỡ Việt Nam, GS Nguyễn Văn Hiệu đưa ra nhận định: "Khoa học cơ bản với các thành tựu của mình chính là nền tảng cho các ứng dụng cuộc sống như điện tử, laser, mạng internet, lĩnh vực y tế di truyền học… Tất cả đều phải bắt đầu từ nghiên cứu khoa học cơ bản".
Không phải đến bây giờ, nghiên cứu cơ bản mới được quan tâm và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp quản lý. Việt Nam đã có một chặng đường dài trên con đường nghiên cứu cơ bản và có những thế hệ nhà nghiên cứu cơ bản có trình độ ở tầm khu vực, thậm chí ở tầm thế giới. Họ đã đóng góp xứng đáng vào quá trình xây dựng đất nước. Từ những năm 90, Đảng, Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư, thúc đẩy phát triển nghiên cứu cơ bản dưới hình thức của các chương trình và những hỗ trợ cụ thể. Bắt đầu từ năm 1991, Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (toán học, vật lý, cơ học, tin học, khoa học sự sống, khoa học trái đất…).
Bộ KH&CN đã thành lập Hội đồng Khoa học tự nhiên gồm các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực, thông qua đó tư vấn cho bộ máy quản lý, lãnh đạo Bộ định hướng phát triển. Số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín ngày càng tăng lên. Từ năm 2008, Bộ KH&CN đã thành lập Quỹ Phát triển KH&CN Việt Nam (Nafosted), đầu tư trực tiếp cho các nhà nghiên cứu cơ bản trong 7 lĩnh vực. Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Quỹ, chúng ta đã thu được những thành công không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản mà cả nghiên cứu cơ bản có ít nhiều ứng dụng như nano. Trong nhiều Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 20 về KH&CN phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, tinh thần chung, nhiều nội dung tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nghiên cứu cơ bản. Đó là tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu hoạch định đường lối chính sách để phát triển đất nước, quan tâm đến nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, ưu tiên một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế, đặc biệt xây dựng một số chương trình nghiên cứu cơ bản trong một số lĩnh vực như toán, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển…
Nhiều thành tích đáng ghi nhận
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, đến nay lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đã đạt những thành tích đáng ghi nhận. Trong đó có các xếp hạng được quốc tế thừa nhận. Trong năm 2014, về toán học, Việt Nam đứng thứ 50 thế giới và thứ 4 ASEAN. Tương tự, về vật lý, chúng ta xếp thứ 60 thế giới và thứ 4 khu vực. Với lĩnh vực hóa học, Việt Nam xếp thứ 56 thế giới và xếp thứ 4 khu vực ASEAN. Với lĩnh vực khoa học sự sống trái đất, Việt Nam xếp thứ 57 thế giới và xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN. Khoa học cơ bản Việt Nam đang ở tốp đầu khu vực. Trên diễn đàn quốc tế, từ năm 2011-2015, số lượng các công bố quốc tế tăng vượt bậc, trung bình từ 15-20%. Số lượng các công bố quốc tế giai đoạn này gấp đôi giai đoạn trước.
Đặc biệt, có một dấu ấn rất quan trọng là năm 2015, sự kiện UNESCO công nhận Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II của Việt Nam vào tháng 11-2015 đã khẳng định vị thế các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam so với khu vực và thế giới. Trong khu vực ASEAN không có trung tâm nào về toán và vật lý được UNESCO công nhận như của Việt Nam. Hai trung tâm được công nhận trước đó của Indonesia và Malaysia không thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.
Đặc biệt, những sự kiện như Gặp gỡ Việt Nam với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế chính là cơ hội để rút ngắn khoảng cách này. Sự hiện diện của giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới phát triển dựa trên khoa học và công nghệ tại sự kiện cho thấy mối quan tâm của đại diện khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội. Chứng tỏ sức hút của nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đối với thế giới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, việc rất nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia sự kiện Gặp gỡ Việt Nam năm nay là cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách giữa các nghiên cứu khoa học cơ bản với giới công nghiệp.