Bài 1: Cuộc chiến với "giấy phép con"

Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 17/06/2016

LTS: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 1-7-2016, cần ban hành 86 nghị định, quyết định, quy định điều kiện đầu tư kinh doanh với yêu cầu đặt ra là: Giảm gánh nặng chi phí tuân thủ, bãi bỏ điều kiện không cần thiết...


Bài 1: Cuộc chiến với "giấy phép con"

Giấy phép con, thủ tục hành chính rườm rà... là một trong những nguyên nhân sinh ra nhũng nhiễu, tiêu cực, dẫn đến chi phí doanh nghiệp (DN) phải gánh chịu quá lớn. Song theo thành viên tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư Trương Thanh Đức, tính từ năm 2000 tới nay, số giấy phép con - tức là các điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành địa phương ban hành trái luật không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng. Đáng nói, hiện có trên 3.000 văn bản ở dạng thông tư không còn căn cứ pháp lý để tồn tại.

Quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được xem là có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều quy định bất lợi...

Từ thực tế, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc (Sơn Tây, Hà Nội) phản ánh, Thông tư 20 của Bộ Công thương (ban hành ngày 12-5-2011) về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ trở xuống, yêu cầu DN phải có giấy ủy quyền chính hãng từ nhà nhập khẩu. Với quy định này, các hãng, các DN nhập khẩu hoàn toàn có thể "ung dung" đặt đại lý của mình tại Việt Nam và bán sản phẩm. Như vậy, điều kiện kinh doanh này vô hình trung chỉ có lợi cho DN nước ngoài, trong khi DN trong nước mất rất nhiều công sức để tìm thị trường, làm quảng cáo cho họ trong nhiều năm qua.

Trong lĩnh vực kinh doanh gas, ông Trần Trung Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thái Dương cho biết, Nghị định 19 về kinh doanh khí do Chính phủ ban hành ngày 22-3-2016 (hiệu lực từ ngày 15-5-2016) quy định cần phải có 100 nghìn bình gas, bồn chứa 300m2 có tổng dung tích 2,6 triệu lít gas là quá sức đầu tư của nhiều DN tư nhân hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu đó, DN phải có ít nhất 70 tỷ đồng vốn, chưa kể đất đai, văn phòng. Thị trường gas sẽ bị các DN lớn chi phối, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

... "đinh" có ở nhiều nơi

Với kinh nghiệm 30 năm là chuyên gia "tuýt còi" các văn bản trái luật, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) bày tỏ quan ngại trước việc môi trường đầu tư đang ở trong cảnh trên "thảm" dưới "đinh".

Theo TS Lê Hồng Sơn, "đinh" có mặt ở khắp nơi, từ trong các thể chế - các văn bản quy phạm pháp luật, cho đến trong tổ chức thực hiện, trong hành vi cụ thể, kể cả trong các quyết định hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền.

Để chứng minh, TS Lê Hồng Sơn dẫn các ví dụ để nhận diện các loại "đinh": Với văn bản pháp luật, "đinh" nằm chủ yếu ở các thông tư - văn bản quy phạm pháp luật cấp bộ. Cá biệt, có "đinh" trong một số quy định của Chính phủ, các văn bản của địa phương. Cụ thể, ngày 16-11 và 24-12-2015, tỉnh Quảng Ninh lần lượt ban hành hai quyết định: 4088/QĐ và 3625/QĐ về việc ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch và việc tạm dừng việc đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long như: Rút ngắn thời hạn sử dụng các phương tiện thủy nội địa 5-10 năm; ở các phòng ngủ của tàu phải có hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước.

Nếu thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh, tất cả các tàu, thuyền hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn buộc phải có thêm bể nước trên tàu, hệ thống dẫn nước… và điều này không thể thực hiện được với các DN có tàu đang hoạt động không có điều kiện và chỗ cơi nới thêm. Và điểm đáng nói hơn là việc quy định không cho phép DN đóng mới tàu, thuyền để thay thế tàu cũ. "Quy định này là cố tình bức tử các DN đang hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa hơn 1.000 lao động sẽ mất việc làm. Sâu xa hơn lại là điều kiện tốt, một sự chuẩn bị sẵn sàng cho một sân chơi nhiều lợi ích của các đại gia trước môi trường đầu tư hết sức hấp dẫn tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh" - TS Lê Hồng Sơn chỉ rõ.

Không chỉ ở cấp địa phương, các bộ, ngành trung ương cũng có những quyết định điều hành vi phạm pháp luật về kinh doanh, bị "cài cắm" các lợi ích ngành, địa phương nên đã trở thành rào cản. Điển hình là thông tư: 05/2013/TT ngày 18-2-2013 của Bộ Công thương, số 59/2013 của Bộ Tài chính ngày 8-5-2013 (hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan) xác định thời hạn lưu giữ của hàng tạm nhập tái xuất không quá 15 ngày, gia hạn 25 ngày, trái Luật Hải quan (thời hạn là 12 tháng, gia hạn 6 tháng).

Không trói doanh nghiệp

DN đã vất vả vì điều kiện kinh doanh có quá nhiều. Song, từ năm 2000 đến nay, số giấy phép con không giảm mà còn tăng lên đến con số trên 3.000 điều kiện kinh doanh trái luật. Theo cảm nhận của LS Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội), giấy phép con là một vấn nạn với vô vàn biến tướng, nó phát triển ngày càng đa dạng, tinh vi. Cuộc chiến chống sự biến tướng của giấy phép con chính là một bộ phận của chống tham nhũng, nhưng "chiến trường" này khó khăn hơn nhiều bởi đây là loại hình tham nhũng chính sách, chứ không phải hành vi tham nhũng cá biệt. Vì vậy, không thể áp dụng trách nhiệm hình sự đối với hình thức trục lợi qua việc quy định giấy phép con. Điều này lý giải vì sao kể từ năm 1999, sau khi Luật DN thông qua, Chính phủ đã thành lập Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để "tuyên chiến" với giấy phép con. Từ đó đến nay, Luật DN, Luật Đầu tư đã qua một lần sửa đổi nhưng giấy phép con vẫn đua nhau mọc lên. Vì vậy, những cuộc đối thoại công tư là rất quan trọng và Chính phủ cần lắng nghe nhiều hơn nữa tiếng nói từ DN, rằng Luật Đầu tư và những văn bản hướng dẫn đang thực thi như thế nào.

Hà Phong