Bảo đảm chính sách - thực tiễn là một
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 17/06/2016
Tuy nhiên, từ khi hai luật có hiệu lực, ngày 1-7-2015, đến nay đã gần tròn một năm, vẫn còn ngổn ngang những vấn đề rất đáng để suy nghĩ, đấy là việc xây dựng, ban hành văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh có nhiều vướng mắc: Theo thống kê, còn hàng chục nghị định, quyết định cần ban hành trước ngày 1-7 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến giờ chưa được ban hành.
Lâu nay, không ít quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh có thể xem là một dạng thức của cơ chế xin - cho vốn đã ăn vào tư duy, cung cách quản lý của không ít ngành, địa phương. Trong khi "quỹ" thời gian đến hạn chót không còn nhiều, vấn đề đặt ra với các bộ, ngành có trách nhiệm soạn thảo không chỉ là tiến độ mà còn là chất lượng của hệ thống văn bản hướng dẫn, bao hàm các tiêu chí: Chặt chẽ, đầy đủ, không gây "khó" doanh nghiệp. Để bảo đảm tinh thần cởi mở, thông thoáng của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp - bảo đảm chính sách với thực tiễn là một, nói cách khác là để tinh thần cởi mở, thông thoáng của các luật này thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, tạo động lực cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, công cuộc đổi mới đất nước nói chung, có rất nhiều vấn đề phải lưu tâm, chú trọng thực hiện.
Trước hết, cơ quan soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo phải quán triệt sâu sắc chủ trương đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng là: "Có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh các lĩnh vực mà luật pháp không cấm... Hoàn thiện thể chế bảo vệ nhà đầu tư...". Đồng thời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ ở cuộc gặp gỡ doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh ngày 29-4; được cụ thể hóa trong các Nghị quyết 19- 2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35-2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Chủ trương và tinh thần này đặt ra yêu cầu các cơ quan soạn thảo văn bản phải lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các bộ, ngành, đơn vị tham gia xây dựng văn bản phải dũng cảm từ bỏ lợi ích của mình, tránh tình trạng "gài" điều kiện kinh doanh vào văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Luật (Doanh nghiệp, Đầu tư) phải là tối thượng, luật không thể "thua" nghị định, thông tư và cũng không thể để nghị định, thông tư "lách"... Cùng với việc xây dựng các văn bản hướng dẫn với tinh thần thượng tôn luật, tinh thần phục vụ doanh nghiệp, rất cần sự tham gia của các cơ quan, tổ chức đóng vai trò giám sát, phản biện, đặc biệt là Bộ Tư pháp - có chức năng tham mưu cho Chính phủ về xây dựng pháp luật, "tuýt còi" văn bản vi phạm, và các cơ quan thông tin đại chúng, chuyên gia pháp lý, đặc biệt là ngay chính cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Hoạt động đầu tư - sản xuất - kinh doanh là động lực của tăng trưởng kinh tế. Cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp chỉ có thể yên tâm hoạt động khi các quy định về điều kiện kinh doanh được rút gọn, đơn giản hóa phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập. Và cũng chỉ khi đó, cơ quan quản lý nhà nước mới hoàn thành vai trò kiến tạo, đồng hành (cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp) của mình.