Rau, quả sạch Yên Phú

Xã hội - Ngày đăng : 08:36, 16/06/2016

Quả bầu dài và quả mướp không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho thôn Yên Phú (xã Văn Phú, huyện Thường Tín), mà còn tạo nên thương hiệu

Nông dân thôn Yên Phú giao hàng cho thương lái.


Mùa bầu dài ở Yên Phú cho thu hoạch quả vào tháng 4 và tháng 5 hằng năm. Giai đoạn này cũng là thời gian mà nông dân thôn Yên Phú bận rộn nhất, bởi quả bầu dài cần công chăm sóc công phu hơn những loại quả trồng khác. Bầu dài đầu vụ có lúc đạt 20 nghìn đồng/quả (dài khoảng 70-80cm), trung bình giữa vụ hơn 10 nghìn đồng/quả. Hiện tại, khu sản xuất rau an toàn của thôn Yên Phú có tổng diện tích 45ha, với giá trị kinh tế đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Để có được quả bầu dài đẹp, bảo đảm an toàn đến người tiêu dùng, HTX Nông nghiệp Văn Phú và người dân đều có những "bí quyết" riêng cũng như đạo đức trong sản xuất rau quả an toàn. Theo ông Nguyễn Văn Tú, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Phú, nguồn nước và đất sạch, không chứa các kim loại nặng, các chất thải công nghiệp là yếu tố hàng đầu để bảo đảm cho nông sản sạch. Các loại thuốc hóa học độc hại, nằm trong danh mục thuốc cấm đều không được phép bày bán trong các cửa hàng ở xã Văn Phú. "Chúng tôi thường xuyên kiểm tra các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, nếu có bán thuốc trừ sâu, thuốc chuột nằm trong danh mục cấm đều bị thu và xử lý nghiêm, không để thuốc ra ruộng đồng" - ông Tú cho biết. Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng thôn Yên Phú thông tin thêm: Có thời gian trong thôn rộ tin về loại thuốc hóa học xuất xứ Trung Quốc, khi phun vào rau cải sẽ cho thu hoạch sau 7 ngày, rau thơm cho thu hoạch sau 4-5 ngày, ăn rau quả còn dư lượng thuốc đó nguy cơ gây vô sinh cao. Lãnh đạo thôn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong thôn, đồng thời khuyến cáo các cơ sở kinh doanh không kinh doanh các mặt hàng này.

Về quy trình sử dụng, HTX Nông nghiệp Văn Phú thường xuyên nhắc nhở bà con chỉ phun thuốc trừ sâu trước 7 ngày thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Hàng, thôn Yên Phú cho biết: Nhà trồng 3 sào bầu dài, vào mùa thu hoạch luôn phải có 2 người làm mới hết việc, chủ yếu là tưới, bắt sâu, cắt lá và rất hạn chế sử dụng thuốc hóa học. "Nông dân HTX Nông nghiệp Văn Phú cũng vừa mới thử nghiệm sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học và thảo mộc để phòng, trừ sâu bệnh cho cây bầu và cây mướp. Tuy mới đưa vào thử nghiệm, nhưng người dân Yên Phú thấy hiệu quả và mong muốn thuốc này được sử dụng đại trà hơn và dần dần thay thế các loại thuốc hóa học" - ông Hàng cho biết.

Người nông dân thôn Yên Phú cần mẫn, chịu thương, chịu khó, họ chăm sóc mảnh ruộng, cây lúa của mình như chính những đứa con của mình. Trải qua bao đời nay, những kinh nghiệm dân gian vẫn luôn được họ áp dụng vào trong sản xuất rau, củ, quả, giúp cho chất lượng nông sản cao, không nhiễm độc, là nguồn thu chủ đạo của kinh tế nông thôn.

Một vài kinh nghiệm dân gian thường được bà con nông dân nơi đây áp dụng cho các loại quả trồng giàn như treo túi đất vào quả cong trong thời kỳ sinh trưởng để uốn cho quả thẳng, đẹp và thụ phấn cho hoa được áp dụng rộng rãi. Khi hoa cái bắt đầu nở, người nông dân lấy hoa đực quyệt phấn vào hoa cái mỗi buổi sáng sớm để hạn chế quả bị thối, quả bị ong châm. Bên cạnh đó, biện pháp bắt sâu bằng tay, bằng đèn lồng cũng thường xuyên được người nông dân thực hiện. Giờ đây, mỗi chiều đến, xe ô tô của thương lái lại tập trung ở đầu bờ ruộng để thu mua các loại rau, quả của thôn Yên Phú. HTX Nông nghiệp cũng đã đứng ra làm đầu mối để bảo đảm chất lượng rau, quả sạch, an toàn đến tận tay người tiêu dùng Thủ đô.  

Nguyễn Văn Công