Hà Nội xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 13:04, 15/06/2016

(HNMO) - Sáng 15-6, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về



Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của nhiệm kỳ 2016-2020 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội. Việc ban hành nghị quyết thể hiện quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Theo dự thảo Nghị quyết, sau gần 10 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007-2015 của Thành uỷ Hà Nội, lượng khách du lịch đến Hà Nội luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá, số lượng chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, mức tăng bình quân hơn 10%/năm. Năm 2015, Hà Nội đón 3,26 triệu lượt khách quốc tế và 16,43 triệu lượt khách trong nước. Hà Nội đã khẳng định được là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía Bắc; là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, bình quân trên 15%/năm, năm 2015 đạt gần 55.000 tỷ đồng (dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng 3,2% GRDP của thành phố)...

Tuy nhiên, hạn chế của du lịch Thủ đô là hiệu quả kinh tế chưa cao, đóng góp vào GRDP của thành phố chưa tương xứng. Thành phố còn thiếu những khu, điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu đồng bộ, phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Nhìn chung, du lịch chưa được nhận thức là ngành kinh tế mũi nhọn; thiếu những cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn xã hội và các nhà đầu tư lớn vào phát triển du lịch.

Dự thảo Nghị quyết nêu 5 quan điểm phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020. Đáng chú ý là quan điểm phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác, như du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, thể thao… Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi tầng lớp nhân dân, mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng môi trường du lịch, tham gia phát triển du lịch trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đồng bộ và thống nhất. Mục tiêu của nghị quyết là tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch Thủ đô cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững. Đến năm 2020, đưa du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, xứng tầm là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực.

Cụ thể, đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình 8-10%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình 15-17%/năm. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60-65%.

Về giải pháp tuyên truyền quảng bá, dự thảo nghị quyết xác định quan tâm phát huy vai trò tích cực của cộng đồng dân cư, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, tạo động lực phát triển và nâng cao hình ảnh du lịch tại mỗi địa phương. Thành phố sẽ rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch bảo đảm phù hợp thực tiễn. Trước hết, thành phố sẽ chỉ đạo lập và triển khai quy hoạch 6 cụm du lịch: Trung tâm Hà Nội; Sơn Tây- Ba Vì; Hương Sơn-Quan Sơn; Núi Sóc- Hồ Đồng Quan; Vân Trì-Cổ Loa và cụm du lịch Hà Đông và phụ cận. Thành phố lập và triển khai quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì-Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2030; lập và triển khai quy hoạch đầu tư bảo tồn và phát triển hai làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc và làng cổ Đường Lâm thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự thảo Nghị quyết cũng nêu cụ thể từng nhóm giải pháp như: Phát triển sản phẩm du lịch; cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; quản lý nhà nước và liên kết phát triển du lịch.

Các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, có giá trị để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình cao phải tạo dựng cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư xã hội hóa phát triển du lịch. Đặc biệt, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết đã tham vấn kinh nghiệm phát triển du lịch của các nước trên thế giới; nghiên cứu kỹ những hạn chế, yếu kém của du lịch Hà Nội. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong dự thảo Nghị quyết đã căn cứ rất sát vào những kế hoạch, dự án, công việc đã và đang được triển khai tích cực và có hiệu quả.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, vấn đề số một của thành phố hiện nay phải tập trung làm tốt cải cách hành chính (CCHC). Chỉ có làm tốt CCHC, cải thiện môi trường đầu tư thì nhà đầu tư có tầm cỡ mới đến và đầu tư phát triển du lịch Hà Nội.

Theo Bí thư Thành ủy, thời gian qua, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính đã chuyển biến nhiều, thời gian giải quyết TTHC cũng rút ngắn đáng kể, được nhiều người khen, thậm chí gây ngạc nhiên. “Tôi có người bạn nói, ngày xưa tôi đến Sở Tài nguyên Môi trường thì bị hành mà giờ đến thấy cán bộ, công chức khác hẳn, niềm nở, đon đả, mà cấp “sổ đỏ” rất nhanh. Rồi có doanh nghiệp nói với tôi lần đầu tiên được cấp giấy phép xây dựng ở Hà Nội mà chỉ trong có 12 ngày" - Bí thư Thành ủy kể đồng thời tin tưởng rằng, thành phố chỉ cẩn “cởi trói” là doanh nghiệp sẽ đến đầu tư, tiềm năng của thành phố sẽ “bùng lên”. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm cho nhận thức đổi mới và CCHC theo hướng như vậy sẽ đi vào đầu từng cán bộ, công chức của mình từ cấp thành phố đến xã, phường. Và đừng vì được khen mà yên tâm. CCHC phải làm bền bỉ, không được làm kiểu phong trào hay “bắt cóc bỏ đĩa”. Bí thư Thành ủy lưu ý, còn một lớp “cò” các loại dịch vụ của thành phố, thành phố sẽ xử lý bằng được. Các đồng chí đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc này.

Theo Bí thư Thành ủy, hạ tầng du lịch của Hà Nội còn rất yếu, thiếu rất nhiều khách sạn đòi hỏi phải được đầu tư với nguồn lực rất lớn. Nhưng bài toán đặt ra là làm sao để đầu tư đầy đủ và hiệu quả nhưng không phải lấy từ ngân sách, chứ “đụng một tý mà lấy tiền ngân sách thì chẳng nói làm gì, quá dễ, không gì dễ bằng thò tay vào túi móc tiền ra tiêu”. Bí thư Thành ủy khẳng định thành phố đã và đang xây dựng các cơ chế để kích thích doanh nghiệp vào đầu tư, mà phải chọn những doanh nghiệp có tầm cỡ, họ vừa có nguồn lực tài chính vừa có nguồn lực chất xám. “Chọn những doanh nghiệp vừa có "đầu", vừa có năng lực tài chính thì người ta sẽ để lại những công trình để đời cho mình. Cái đấy mới là cái khó, các đồng chí thử tưởng tượng, một công viên mình giao cho người ta đến 300-400 ha mà như hôm trước Thường trực Thành ủy họp, là những công viên lớn cuối cùng của Hà Nội, mà doanh nghiệp làm một hồi quay đi quay lại không đâu vào đầu thì mình đau lắm. Dân phê bình đã đành, nhưng cái chính là chúng ta để lại cái gì cho Hà Nội, để lại cái gì để các thế hệ người Hà Nội người ta tự hào, người dân cả nước tự hào” - đồng chí Hoàng Trung Hải nói.

Quốc Bình