Tưởng nhớ Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Đời sống - Ngày đăng : 10:36, 15/06/2016

(HNMO) - Tôi nhớ lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi. Chắc hẳn đã khoảng mười lăm năm về trước, người bạn và đồng nghiệp của tôi – nhà thơ Nguyễn Bá Chung – đã thu xếp cho cuộc gặp mặt. Cũng qua nhà thơ Nguyễn Bá Chung, tôi biết về Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung và biết rằng tôi sẽ được gặp gỡ một huyền thoại.



Nhưng ấn tượng đầu tiên vào giây phút ông ngồi xuống uống cà phê cùng chúng tôi là sự giản dị đáng kinh ngạc của một con người đang ngồi đối diện với tôi. Lúc đó ông xấp xỉ bảy mươi tuổi - cái tuổi đa số con người ta sống chậm lại nhưng ở ông có cái năng lượng của một người vừa mới khởi đầu. Ông đã đọc các tác phẩm của Kissinger và MacNamara, nhưng ông muốn biết các nhà tư tưởng đích thực ở đất nước tôi phản ánh thế nào về chiến tranh Việt Nam. Ông muốn biết những nhà văn nào ông nên đọc, những quyển sách nào là quan trọng. Sự tò mò đầy trí tuệ của ông làm tôi nhớ đến một trong những người hùng khác của tôi, I.F Stone, người đã phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đầy mạnh mẽ, người ở độ tuổi tám mươi đã bắt đầu học tiếng Hy Lạp cổ đại để có thể đọc các tác phẩm Plato và Aristotle bằng ngôn ngữ gốc.

Một thời gian sau đó, Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh và Hậu quả Xã hội William Joiner. Ông đã tìm cách đọc được tất cả những cuốn sách chúng tôi đã gửi cho ông và khao khát muốn đọc thêm. Năng lượng và sự hiện diện của ông đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Ông là một trong số rất ít người có thể làm một căn phòng trống đầy ắp lên, không phải với sự khoe khoang, kiêu hãnh, mà bởi sự khiêm nhường giản dị và cách kết nối giữa một con người với một con người. Tôi nhận ra chính phẩm chất ấy đã khiến các nhà văn Việt Nam nể phục ông. Và phẩm chất ấy chính là sự thanh khiết của tinh thần, một điều hiếm thấy ở đời thường, và lại càng hiếm thấy hơn ở một người như ông, người đã chứng kiến nhiều thập kỷ chiến tranh. Chúng tôi đã từng đứng ở hai đầu chiến tuyến, nhưng ông không bao giờ xem cá nhân những nhà văn cựu binh chúng tôi như những kẻ thù.

Trong những năm sau đó, chúng tôi gặp nhau ở Việt Nam, tại các hội thảo hoặc những sự kiện văn học. Sự xuất hiện của ông tại các sự kiện ấy luôn là điểm nhấn đối với tôi. Ông luôn toả một vầng ánh sáng, khiến bầu không gian quanh ông bừng sáng theo và khiến tất cả những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực tan biến hết. Những lúc ấy bạn chỉ muốn được ở bên ông càng lâu càng tốt, nghe ông nói, trò chuyện với ông, hoặc chỉ để được ở bên ông. Thường thì nhà thơ Nguyễn Bá Chung đã có mặt ở đó để giúp phiên dịch cho chúng tôi và đôi khi chúng tôi cố gắng nói chuyện bằng tiếng Pháp ấp úng. Nhưng chỉ cần đắm mình vào sự hiện diện của ông đã đủ lắm rồi. Đối với tôi, người từng sang Việt Nam tham chiến lúc 21 tuổi, từ năm 1968 đến năm 1969 và mang quân hàm trung sĩ, đó là một món quà ngoài sức tưởng tượng.

Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao về văn học giữa Hội Nhà Văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (1992 – 2012), diễn đàn văn học Việt - Mỹ "Nhìn lại và phát triển” đã được tổ chức tại Huế với sự tham dự của các nhà văn Mỹ và Việt Nam. Sau diễn đàn, nhóm các nhà văn chúng tôi đi thăm các chiến trường cũ, đọc các tác phẩm, trò chuyện cùng nhau, thưởng thức các đêm nhạc và thậm chí còn nhảy múa với nhau. Từ Huế, chúng tôi đi Quảng Trị, đến Khe Sanh, và ra cả biên giới với Lào. Đó là một chuyến đi vô cùng đặc biệt, và sự hiện diện của Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung khiến nó đặc biệt hơn. Trong chuyến đi có những nhà văn mà ông đã từng phát hiện, khuyến khích và cổ vũ và ông hết sức vui vẻ, thư thái. Chuyến đi đó đã đưa chúng tôi ngược về lịch sử, giúp phục hồi tình nhân loại. Tôi có thể nói rằng chuyến đi ấy nằm trong số những ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm cuối cùng trên biên giới, khi tôi đã thức đến gần sáng cùng Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung, và cùng với những cây bút nổi tiếng của cả hai nước. Chúng tôi đã cụng ly, hát vang, chơi nhạc và thậm chí còn nhảy múa với nhau.

Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung là ở Hà Nội, tại Liên hoan Thơ châu Á Thái Bình Dương năm 2015. Có thật nhiều những chiếc xe buýt chở chúng tôi – các nhà thơ từ rất nhiều quốc gia - tất bật đi lại tham dự các sự kiện. Có ai đó nói rằng có tận 20 chiếc xe như thế. Vào một ngày mưa ở Hà Nội, tôi nghe nói rằng Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung cũng có mặt ở đó. Tôi nhớ rằng cả hai chúng tôi phát hiện ra nhau ở cùng một thời điểm, mỉm cười và đi về phía nhau, ôm chầm lấy nhau. Chúng tôi ngồi đó trong chiếc lều được dựng lên cho sự kiện, nước mưa nhỏ tong tong từ mái lều, thấm ướt chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn mê mải trò chuyện. Sau đó khi về khách sạn, Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã gọi những nhà thơ, nhà văn cựu binh Mỹ chúng tôi là những vị Bồ tát. Ông ban cho chúng tôi cái tên đó vì tình yêu chúng tôi dành cho đất nước và con người Việt Nam và vì chúng tôi luôn quay trở lại. Đó là lời khen ngợi lớn lao nhất mà tôi từng nhận được và tôi trân trọng nó trong sâu thẳm trái tim mình. Nhưng sự thật là Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã và sẽ luôn luôn là vị Bồ tát vĩ đại, một người lính với trái tim rộng lớn nhất mà tôi đã từng được gặp, một người đàn ông luôn tìm kiếm sự thật sâu xa nhất và chia sẻ sự thật đó. Tôi sẽ không bao giờ quên ông.

Xin chân thành chia buồn với gia đình ông nói riêng và người Việt Nam nói chung. Sự ra đi của Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung là một tổn thất lớn lao. Đối với cá nhân tôi, mặc dù ông đã ra đi, tôi biết ông sẽ sống mãi trong trái tim tôi!

Nhà văn, cựu binh Mỹ Larry Heinemann: Nghe tin Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung qua đời, tôi không khỏi bàng hoàng. Khi nhận được tin, tôi phải đứng lên, rời khỏi bàn viết, rồi đi loanh quanh trong nhà. Gặp nhau ở Huế vài năm trước, chúng tôi lập tức trở thành bạn của nhau.

Tôi luôn nhớ nụ cười hiền lành của ông và sự hóm hỉnh đầy lòng nhân ái của ông. Ông là vị tướng đầu tiên đã trò chuyện với tôi, trong tư cách giữa một con người với một con người.

Kevin Bowen
Nguyên GĐ trung tâm William Joiner, Trường ĐH Massachusetts

Nguyễn Phan Quế Mai chuyển ngữ