Cảnh giác với trộm đêm
Đời sống - Ngày đăng : 08:11, 15/06/2016
Đầu tháng 6, Công an (CA) quận Cầu Giấy cho biết đã khởi tố Mai Văn Biên (SN 1988) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1995) cùng ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa về hành vi "trộm cắp tài sản". CA xác định, từ tháng 4 và 5, hai đối tượng này đã 9 lần đột nhập nhà trọ ở các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai và Bắc Từ Liêm lấy trộm hàng chục điện thoại, máy tính và tiền mặt… Thủ đoạn của tội phạm nói chung, hai đối tượng này nói riêng là lợi dụng đêm tối, thời tiết nóng, người dân không khóa cửa ra vào, cửa sổ, cửa tum cẩn thận..., tìm cách đột nhập hoặc câu khều trộm cắp tài sản.
Đối với trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, thời gian đêm tối cũng là thời điểm tội phạm lựa chọn để đột nhập. Các đối tượng thường nghiên cứu trước thói quen của bảo vệ, địa hình trụ sở để dễ bề gây án. Cá biệt, gần đây tội phạm manh động, liều lĩnh hơn, chỉ cần thấy có tài sản là đột nhập. Sau khi đột nhập nếu bị phát hiện, chúng sẵn sàng dùng hung khí áp chế, tấn công bảo vệ theo kiểu "đầu trộm, đuôi cướp"… Trong mùa hè này, đặc biệt là với sự kiện EURO 2016, cơ quan CA lo ngại tội phạm trộm cắp, đột nhập ban đêm sẽ gia tăng với những thủ đoạn như trên.
Để ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này, cơ quan CA khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, làm tốt công tác phòng ngừa. Dù thời tiết nóng bức, lúc tối trời, vắng nhà hoặc trước khi đi ngủ, gia chủ cần kiểm tra và đóng cửa ra vào, cửa tum, cửa sổ, cửa hành lang thật chắc chắn. Nếu có điều kiện, gia chủ có thể lắp hệ thống cửa có độ an toàn cao, lắp đèn ngoài cửa và camera giám sát an ninh cũng như các thiết bị báo động khác. Đối với trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, ngoài việc lắp đặt thiết bị bảo vệ, trong mùa hè cần rà soát lại phương án bố trí bảo vệ trực, phương án phòng chống trộm cắp.
Cùng với khuyến cáo người dân, cơ quan, tổ chức nâng cao cảnh giác, CA các cấp cần phát huy vai trò nòng cốt, huy động, tổ chức lực lượng giữ gìn ANTT ở cơ sở, thường xuyên phối hợp tuần tra khép kín thời gian, địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng những khu dân cư, cơ quan, công sở, trung tâm thương mại vắng người qua lại. Trên tuyến, CATP Hà Nội đã yêu cầu lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, các tổ 141 tăng cường tuần tra kiểm soát, cắm chốt vào các khung giờ "nhạy cảm" để phát hiện sớm các đối tượng có biểu hiện nghi vấn cũng như kịp thời phối hợp bắt giữ khi có yêu cầu hỗ trợ. Bên cạnh đó, cơ quan CA cũng cần chủ động tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm. Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP cho biết, một trong những đòi hỏi của lực lượng hình sự là thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu việc tuyên truyền đến tận người dân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp các phương thức thủ đoạn mới của tội phạm đề phòng ngừa, trong đó chống trộm đột nhập là một trong những nội dung chính.
Hiện nay, tại một số quận, cơ quan CA đã phối hợp với chính quyền cấp phường có nhiều hình thức tuyên truyền về tội phạm trộm cắp đột nhập qua hệ thống truyền thanh hoặc phát tờ rơi. Cách làm này cần được nhân rộng hơn nữa để từ đó góp phần hình thành ý thức cảnh giác thường trực trong cộng đồng dân cư và với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đối với các loại tội phạm, trước tiên là với các thủ đoạn của tội phạm trộm cắp về đêm...