Thấy gì sau những cuộc diễn tập quân sự?

Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 15/06/2016

(HNM) - Hơn 10.000 binh sĩ của 13 nước thành viên NATO và các quốc gia đối tác gồm Estonia, Đan Mạch, Anh, Mỹ, Latvia, Litva, Ba Lan, Luxembourg, Na Uy, Pháp, Slovenia, Phần Lan và Đức đang tham gia cuộc diễn tập quân sự mang tên Saber Strike-2016 ở Estonia.


Cách đó không xa, Belarus cũng tổ chức hoạt động tương tự với sự góp mặt của hơn 2.000 binh sĩ và 70 phương tiện kỹ thuật. Ở Tây Thái Bình Dương, cuộc tập trận Malabar với sự phối hợp của quân đội Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang diễn ra sôi động. Đây chỉ là một vài ví dụ để minh chứng cho xu thế gia tăng đột biến các cuộc diễn tập quân sự ở khắp nơi trên thế giới, khiến bầu không khí trong nửa đầu năm 2016 "sặc mùi" chiến sự.

5.000 lính NATO tham gia tập trận ở Litva.



Theo báo cáo về tình hình buôn bán vũ khí của tổ chức IHS Global vừa công bố, tổng giá trị của thị trường vũ khí toàn cầu năm 2015 đạt 65 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2014 và là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong thập kỷ qua. Con số này dẫn tới sự liên tưởng về một cuộc chạy đua vũ trang trên quy mô toàn cầu đang trở lại. Nhu cầu về vũ khí tăng lên ở hầu hết các nước Trung Đông và khu vực Đông Nam Á, điển hình như lượng vũ khí mà Saudi Arabia nhập khẩu năm 2015 tăng hơn 50%, đạt 9,3 tỷ USD. Cùng với đó, ngân sách quốc phòng của nhiều nước không ngừng gia tăng trong những năm gần đây khi nhiều quốc gia không chỉ tích cực xây dựng lực lượng vũ trang của mình mà còn tham gia vào các hoạt động quân sự. Đứng đầu danh sách là Mỹ với 596 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 tổng chi quốc phòng toàn thế giới. Thứ hai là Trung Quốc với 215 tỷ USD, Saudi Arabia đứng thứ ba với 87,2 tỷ USD, thứ tư là Nga với 66,4 tỷ USD và thứ năm là Anh với 55,4 tỷ USD. So với chi quốc phòng năm 2014, Trung Quốc và Saudi Arabia nổi lên khi đều có mức tăng trên 7% trong lĩnh vực này.

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho việc tăng ngân sách quốc phòng của các nước nhưng trong đó có một lý do chính quan trọng là nỗi lo an ninh hiện hữu. Những bất ổn an ninh đang khiến các nước càng gia tăng chi tiêu và đầu tư cho quân sự. Tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết đã khiến cho ba nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có tổng mức chi quốc phòng tương đương hơn một nửa số ngân sách quân sự của cả Châu Á. Tình hình Syria, mối nguy hiểm từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng là những yếu tố gia tăng mạnh mẽ chi phí "súng đạn" tại Trung Đông. Tương tự, xung đột khu vực leo thang, bạo lực gia tăng trong nước và cuộc chiến chống IS cũng đưa chi tiêu quân sự của Iraq tăng hơn 5 lần chỉ sau một thập niên, từ năm 2006 đến năm 2015.

Không thể phủ nhận thực tế là khi chạy đua quân sự tăng nhiệt, đồng nghĩa với những tổn thất kinh tế tăng theo. Theo báo cáo nghiên cứu thường niên Hòa bình Toàn cầu 2016 do Viện Kinh tế và Hòa bình ở Australia thực hiện, chiến tranh và các cuộc xung đột trong năm 2015 đã khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn 13,6 nghìn tỷ USD, tương đương 13% tổng sản phẩm toàn cầu (GDP). Khoản phí tổn khổng lồ này được tính toán dựa trên chi phí quân sự, thiệt hại tài sản, cơ sở hạ tầng bị phá hủy cũng như những tổn thất về kinh tế do bạo lực gây ra. Bên cạnh đó, thông qua các số liệu thu thập được liên quan đến mức độ sống yên bình tại 163 quốc gia, nghiên cứu trên còn chỉ ra rằng trong thập niên vừa qua, hòa bình thế giới suy giảm chưa từng có, làm gián đoạn những bước tiến lâu dài kể từ sau Thế chiến thứ hai. Trước thực trạng này, các nhà phân tích cho rằng, gia tăng chi phí quân sự là một xu hướng đáng tiếc vì tài nguyên bị lãng phí thay vì tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, sự thật là việc các quốc gia từ giàu có đến nghèo đói không tiếc tiền đầu tư phát triển những thiết bị quốc phòng là hệ quả của môi trường quốc tế bất ổn và đầy căng thẳng khi niềm tin giữa các quốc gia bị xói mòn. Như thế, dù thế giới đang đua nhau khẳng định sức mạnh quân sự và phòng vệ bằng những phương tiện chiến tranh tốn kém thì cuộc sống của con người lại càng bị đe dọa.

Thùy Dương